Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm từ mức cao nhất 2 năm do đồn đoán rằng nhu cầu sẽ gia tăng và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ tiếp tục nâng dần sản lượng.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 40 US cent xuống 71,49 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2019 là 72,27 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc ở mức 69,23 USD/thùng sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 70 USD/thùng.
Chuyên gia của công ty Ritterbusch and Associates, ông Jim Ritterbusch, cho rằng các nhà đầu tư đã tiến hành chốt lời khi giá dầu WTI chạm ngưỡng 70 USD/thùng.
Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch dầu cũng bớt nhiệt khi số liệu từ Trung Quốc cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua vào tháng Năm.
Giá dầu thô đã tăng trong 2 tuần qua, với dầu Brent tăng 38% trong năm nay và dầu thô WTI tăng 43% bởi sự phục hồi sau khi nhu cầu gián đoạn liên quan tới đại dịch và việc hạn chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh. Giới phân tích dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục đà tăng, khi nhu cầu toàn cầu phục hồi sau quyết định giảm các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 của Mỹ và châu Âu, trong khi Ấn Độ cũng cũng bắt đầu nới lỏng tình trạng phong tỏa.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do đồng USD giảm. Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.895,77 USD/ounce; vàng kỳ hạn tương lai tăng 0,4% lên 1.898,80 USD/ounce.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ Mỹ công bố số liệu lạm phát vào cuối tuần này để nắm được khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu giảm dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Nhà phân tích Eugen Weinberg của trung tâm Commerzbank cho biết, trong trung hạn và dài hạn có thể xảy ra nhiều biến động hơn trên thị trường chứng khoán, điều làm tăng giá trị của vàng như một kênh đầu tư an toàn.
Chỉ số đồng USD đã giảm 0,2% cũng khiến vàng trở nên hấp dẫn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá quặng sắt giảm do số liệu thương mại của Trung Quốc - nước chiếm hơn một nửa sản lượng thép của thế giới - giảm trong tháng 5 và lợi nhuận sản xuất thép ít đi làm giảm sức triển vọng nhu cầu đối với thành phần sản xuất thép này.
Trung Quốc đã nhập khẩu 89,79 triệu tấn quặng trong tháng trước, thấp hơn đáng kể so với 98,57 triệu tấn họ đã mua hồi tháng 8/2020 và 102,11 triệu tấn trong tháng 3/2021. Số liệu cũng cho thấy xuất khẩu thép trong tháng 5 của Trung Quốc giảm 33,9% so với tháng trước đó xuống 5,27 triệu tấn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa phiên giảm 4,4% xuống 1.118 CNY (174,7 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 7 tại Singapore giảm 3,5% xuống 192,05 USD/tấn.
Tuy nhiên, giá quặng sắt hiện vẫn khá cao, với hợp đồng thanh khoản nhiều nhất trên sàn Đại Liên đã tăng khoảng 17% từ mức thấp ngày 27/5, trong khi quặng sắt hàm lượng 62% giữ ở mức trên 200 USD/tấn.
Giá đồng giảm do các nhà đầu tư lo sợ trước số liệu yếu hơn dự kiến từ nước tiêu thụ hàng đầu, Trung Quốc. Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,3% xuống 9.925 USD/tấn sau khi tăng 1,7% trong phiên cuối tuần trước.
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc giảm 8% trong tháng 5 so với tháng trước đó, do giá cao kỷ lục tiếp tục phá hủy nhu cầu trong khi tăng trưởng xuất khẩu tổng thể không đạt như dự báo của các nhà phân tích.
Đồng tại London đã tăng 27% giá trị từ đầu năm tới nay, giá đã giảm từ mức cao kỷ lục 10.747,5 USD chạm tới trong tháng trước, một phần do lạc quan rằng một cuộc cách mạng xanh sẽ thúc đẩy thêm nhu cầu đồng từ những mục đích sử dụng mới, bao gồm cả xe điện.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương Mỹ đóng cửa trái chiều, với các hợp đồng ngô vụ cũ giảm do việc chốt lời, trong khi các hợp đồng ngô vụ mới tăng do lo ngại rằng thời tiết nóng và khô hạn tại một số vùng trồng chính của Midwest có thể đe dọa sự phát triển của cây trồng.
Ngô kỳ hạn tháng 7 tại sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 3-1/2 US cent xuống 6,79-1/4 USD/bushel trong khi ngô vụ mới kỳ hạn tháng 12 tăng 11-1/4 US cent lên 6,02-3/4 USD.
Ước tính nguồn cung ngô toàn cầu giảm trong bối cảnh thời tiết khô hạn kéo dài ở Brazil và Trung Quốc mua nhiều. Đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 23-1/2 US cent xuống 15,6-1/4 USD/bushel. Đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 4-1/2 US cent lên 14,4 USD. Giá ngô và đậu tương đã đạt giá cao nhất kể từ giữa tháng 5 trước khi đảo chiều giảm.
Giá lúa mì vụ xuân giảm 3,3% từ mức cao nhất trong 8 năm sau khi mưa đã cứu cây trồng khô cằn ở Canada.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,33 US cent hay 1,9% xuống 17,38 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 7,2 USD hay 1,5% xuống 459,3 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thời tiết tại khu vực Trung Nam Brazil vẫn là trọng tâm với một số cơn mưa rào được dự báo trong tuần này mặc dù tình trạng chung vẫn khô ráo.
Giá năng lượng giảm có thể khiến sử dụng thêm mía để sản xuất đường hơn là sản xuất ethanol sinh học, đặc biệt tại Brazil.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 1,5 US cent hay 0,9% xuống 1,6015 USD/lb, giá giảm từ mức cao nhất 4,5 năm tại 1,6675 USD đã đạt được trong tuần trước; cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 13 USD hay 0,8% xuống 1.625 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý tình trạng khô hạn tại Brazil có thể hạn chế sản lượng năm tới vì thế thị trường sẽ theo dõi lượng mưa tại các khu vực trồng trọt trong vài ngày tới.
Các nhà môi giới lưu ý hoạt động tại thị trường giao ngay ở Brazil sụt giảm, với đồng nội tệ mạnh nhất so với USD kể từ tháng 12.
Giá hàng hóa thế giới sáng 8/6/2021