Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 2%, lùi khỏi mức cao nhất 7 năm đạt được gần đây trong bối cảnh việc nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran có thể hồi sinh một thỏa thuận hạt nhân quốc tế và cho phép có nhiều dầu xuất khẩu hơn từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 1,91 USD, tương đương 2,1% xuống 90,78 USD/thùng, mặc dù trong phiên có lúc đạt 94 USD/thùng – cao nhất kể từ tháng 10/2014. Trong khi đó, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,96 USD tương đương 2,1% xuống 89,36 USD/thùng, trong phiên có lúc tăng lên 94 USD/thùng – cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Các cuộc đàm phán hạt nhân đã được nối lại tại Vienna (Áo) trong ngày 8/2. Thị trường lại dấy lên hy vọng đàm phán có thể dẫn tới một thỏa thuận có thể giúp thị trường có thêm hơn một triệu thùng dầu của Iran mỗi ngày, từ đó kéo giá dầu giảm trong những tháng tới.
Theo Robert Yawger, giám đốc điều hành phụ trách các mặt hàng năng lượng giao dịch kỳ hạn của tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản) dự đoán từ nay đến tháng 7/2022, cả dầu Brent và WTI sẽ giảm ít nhất 1 USD/thùng so với tháng trước.
Giá dầu cũng chịu thêm sức ép từ triển vọng lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ tăng lên. Các nhà phân tích dự đoán lượng dầu dự trữ mới nhất của Mỹ sẽ tăng 400.000 thùng trong tuần tính đến ngày 4/2.
Viện Xăng Dầu Mỹ (API) sẽ công bố báo cáo lượng dầu dự trữ vào cuối ngày 8/2 (theo giờ địa phương).
Giá dầu cũng giảm khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng Ukraine diễn biến nghiêm trọng hơn.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp thuộc công ty dịch vụ năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết Chính phủ Mỹ đang cố gắng điều chỉnh giá dầu bằng cách khẩn trương đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Iran đều có thể mang lại nhiều dầu thô và các sản phẩm chưng cất hơn trong vòng 4 đến 6 tháng tới.
Trong phiên 7/2, giá dầu Brent đã tăng lên 94 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, còn giá dầu WTI chạm mức 93,17 USD/thùng hôm 4/2, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Giá dầu đã tăng do nhu cầu toàn cầu gia tăng, căng thẳng Nga-Ukraine, gián đoạn nguồn cung từ các nhà sản xuất như Libya và việc các nước trong và ngoài OPEC, hay còn gọi là OPEC+ chậm nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục đạt được năm 2020.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) hôm 8/2 rằng sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng lên 12 triệu thùng/ngày vào năm 2022 và 12,6 triệu thùng/ngày vào năm 2023 so với mức 11,2 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
Đối với mặt hàng than, giá than luyện cốc tại Trung Quốc tăng hơn 7% lên mức cao nhất hơn 3 tháng, do nguồn cung thắt chặt cùng với đó là sản lượng thép và nhu cầu hạ nguồn tăng cũng thúc đẩy thị trường.
Giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 7,6% lên 2.470 CNY (388,25 USD)/tấn – cao nhất kể từ ngày 27/10/2021, sau khi giá than nhiệt tại Trịnh Châu tăng 10%.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần do lo ngại lạm phát và căng thẳng Nga – Ukraine, song dự kiến lãi suất Mỹ tăng sẽ hạn chế đà tăng.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,4% lên 1.827,86 USD/ounce, trước đó trong phiên đạt 1.828,12 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 26/1/2022; vàng giao sau tăng 0,3% lên 1.827,9 USD/ounce.
Theo kết quả một cuộc thăm dò của Reuters, giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1/2022 dự kiến sẽ tăng 7,3% hàng năm, sau số liệu việc làm tuần trước tăng mạnh làm gia tăng lo ngại lạm phát. Giá vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, bởi điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty dịch vụ môi giới tài chính OANDA (Mỹ) cho rằng căng thẳng Nga-Ukraine sẽ tiếp tục gia tăng bất chấp sự lạc quan của Tổng thống Pháp Macron.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,9% lên 23,19 USD/ounce, trong khi đó, giá bạch kim tăng 1,4% lên 1.034,36 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, được thúc đẩy bởi lo ngại nguồn cung thắt chặt và tồn trữ giảm.
Giá nhôm trên sàn London tăng 1,6% lên 3.183,5 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao 3.236 USD/tấn. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay giá nhôm đã tăng 14% sau khi tăng 42% năm 2021, khi Trung Quốc – nước sản xuất chiếm hơn 1/2 nguồn cung toàn cầu – đã hạn chế sản lượng nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Tồn trữ nhôm tại London chạm mức thấp nhất kể từ năm 2007 (767.700 tấn), giảm gần 2 triệu tấn so với tháng 3/2021. Đồng thời, tồn trữ nhôm tại Thượng Hải giảm gần 20% xuống 266.906 tấn kể từ đầu năm.
Nga là nước sản xuất nhôm lớn, mối đe dọa trừng phạt Nga nếu nước này tấn công Ukraine, làm gia tăng lo ngại nguồn cung.
Về những kim loại cơ bản khác, giá đồng tăng 0,1% lên 9.791 USD/tấn, kẽm giảm 0,7% xuống 3.601,50 USD/tấn, chì tăng 0,6% lên 2.207,50 USD/tấn, thiếc giảm 0,3% xuống 42.810 USD/tấn và nickel giảm 3% xuống 22.690 USD/tấn.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tại Trung Qutăng 1,1% lên 821 CNY/tấn, sau khi tăng 3,5% trong đầu phiên giao dịch; quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 5 USD lên 147,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 1,6% lên 4.912 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 2,1% lên 5.061 CNY/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 2,1% lên 18.105 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tại Chicago giảm sau khi đạt mức cao nhất 8 tháng, trước báo cáo cung cầu hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến sản lượng vụ thu hoạch tại Nam Mỹ sẽ giảm. Trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 12-3/4 US cent xuống 15,69 USD/bushel.
Giá ngô phiên này cũng giảm 3 US cent xuống 6,32-1/4 USD/bushel. Riêng lúa mì tăng, theo đó lúa mì tăng 10 US cent lên 7,78-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 0,03 US cent tương đương 0,2% lên 18,08 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 1,4 USD tương đương 0,3% lên 483 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tăng 3% lên gần ngưỡng 2,5 USD/lb, do tồn trữ chạm mức thấp nhất hơn 20 năm. Cụ thể, cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 7,3 US cent tương đương 3% lên 2,4895 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 16 USD tương đương 0,7% lên 2.234 USD/tấn. Tồn trữ cà phê arabica tại ICE giảm xuống 1,06 triệu bao (60 kg/bao) – thấp nhất 20 năm và giảm mạnh từ 1,54 triệu bao vào cuối năm 2021.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất hơn 2 tuần, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng và do đồng JPY giảm so với đồng USD.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Osaka tăng 1,7 JPY tương đương 0,7% lên 248,7 JPY (2,2 USD)/kg, trước đó trong phiên đạt 249,9 JPY/kg – cao nhất kể từ ngày 21/1/2022; cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 195 CNY lên 14.650 CNY (2.301 USD)/tấn.