Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 4% sau khi khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga gây lo ngại dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu, do Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 3,9% lên 127,98 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,6% lên 123,7 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine gia tăng khiến Mỹ và các nước khác áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt đã cản trở xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, ngay cả trước khi có lệnh trừng phạt.
Giá xăng phiên này cũng tăng mạnh. Theo đó, giá xăng tại Mỹ vượt 4 USD/gallon (3,78 lít), trong bối cảnh chuỗi cung xăng dầu gặp cú sốc lớn bởi các công ty nhập dầu của Nga, một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã phải loại bỏ sản phẩm của nước này ra khỏi nguồn cung hàng trên toàn cầu hàng ngày. Theo số liệu năm 2021, khoảng 8% dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Mỹ là nhập của Nga.
Riêng gía khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 6% xuống mức thấp nhất 1 tuần, do sản lượng tăng, dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York giảm 30,6 US cent tương đương 6,3% xuống 4,527 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 28/2/2022.
Tổng thống Mỹ, Joe Biden vừa tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các năng lượng khác của Nga. Trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dần nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022, giúp thị trường và doanh nghiệp có thời gian tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Nga xuất khẩu từ 7-8 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày cho các thị trường toàn cầu. Các đồng minh châu Âu dự kiến sẽ không tham gia lệnh cấm này với Mỹ, song các khách hàng mua lớn tại khu vực này cũng đã ngừng nhập khẩu dầu Nga.
Mặc dù Mỹ không nhập khẩu nhiều dầu của Nga, các nhà phân tích cho rằng động thái này rất quan trọng, bởi sẽ dẫn tới hậu quả là giá khí đốt cao, lạm phát tiếp tục tăng, và đáp trả từ Nga.
Tình trạng gián đoạn này có thể ảnh hưởng đến các thị trường năng lượng khác, vì dầu và các sản phẩm của Nga được sử dụng để tinh chế thành các loại hàng hóa khác.
Trước khi lệnh cấm được công bố, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2022 từ mức 98 USD/thùng lên 135 USD/thùng và triển vọng năm 2023 từ 105 USD/thùng lên 115 USD/thùng, cho rằng nền kinh tế thế giới có thể đối mặt với "cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ trước đến nay" vì vai trò chủ chốt của Nga.
Kỳ vọng về khả năng dầu thô Iran sớm quay trở lại thị trường toàn cầu đã giảm xuống, gây thêm sức ép tăng giá khi các cuộc đàm phán giữa Tehran và các cường quốc thế giới bị đình trệ.
Trước lo ngại nguồn cung gián đoạn, nhiều nhà sản xuất dầu lớn đã được kêu gọi thúc đẩy sản lượng. Mustafa Sanalla, người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya, cho biết sản lượng của nước này hiện ở mức 1,3 triệu thùng/ngày và sẽ đạt 1,5 triệu thùng vào cuối năm nay.
Dữ liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng bất ngờ 2,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/3.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục, khi các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn do lo ngại xung quanh cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 2,4% lên 2.046,49 USD/ounce vào cuối phiên, sáu khi đạt 2.069,89 USD/ounce lúc đầu phiên – cao nhất kể từ tháng 8/2020; vàng kỳ hạn tương lại cũng tăng 2,4% lên 2.043,3 USD/ounce. Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng hơn 12% và được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và lạm phát gia tăng.
Đồng USD yếu đã hỗ trợ giá vàng. Giá vàng cũng được hỗ trợ thêm khi chỉ số lạc quan về doanh nghiệp nhỏ của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) của Mỹ giảm xuống 95,7 điểm trong tháng Hai so với mức 97,1 điểm trong tháng Giêng và là tháng thứ hai liên tiếp giảm, đồng thời cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Giá palladium tiếp tục tăng 6,7% lên 3.199,18 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục 3.440,76 USD/ounce trong phiên trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, giá palladium tăng hơn 60%.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 5/2022 tăng 1,175 USD (4,57%), đóng cửa ở mức 26,895 USD/ounce; giá bạch kim giao tháng 4/2022 cũng tăng 36,6 USD (3,28%), đóng cửa ở mức 1.153,2 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 9/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 70,20 - 72,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nickel tăng hơn gấp đôi chỉ trong một phiên, buộc Sở giao dịch Kim loại London (LME) phải tạm ngừng giao dịch kim loại được sử dụng sản xuất thép không gỉ và ắc quy xe điện, trong khi nhôm giảm từ mức cao kỷ lục. Lượng nickel lưu kho trên sàn London chạm 75.012 tấn – thấp nhất kể từ năm 2019.
Giá nickel giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 66% lên 80.000 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt mức cao kỷ lục 101.365 USD/tấn. Nga cung cấp cho thế giới khoảng 10% nhu cầu nickel và cũng sản xuất khoảng 6% nhôm thế giới.
Giá kẽm trên sàn London tăng 1% lên 4.157 USD/tấn, trước đó trong phiên tăng 18,4% lên mức cao kỷ lục 4.896 USD/tấn.
Về những kim loại khác, giá chì tăng 2% lên 2.497 USD/tấn, thiếc tăng 4% lên 49.449 USD/tấn và đồng giảm 0,7% xuống 10.207 USD/tấn.
Giá nhôm phiên này cũng giảm 7,6% xuống 3.456 USD/tấn, sau khi đạt kỷ lục cao 4.0734,5 USD/tấn ở phiên trước.
Nhóm sắt thép phiên này cũng tăng giá, với quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 0,4% lên 844,5 CNY/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Singapore tăng 1% lên 167,55 USD/tấn; quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc đạt 163 USD/tấn – cao nhất kể từ giữa tháng 8/2021, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Tương tự, giá thép không gỉ tại Trung Quốc tăng 12% lên mức cao kỷ lục, khi giá nickel nguyên liệu tăng hơn gấp đôi do lo ngại nguồn cung từ Nga sau xung đột với Ukraine. Cụ thể, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Thượng Hải, tăng lên 22.125 CNY (3.503,56 USD)/tấn. Giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 1,2% xuống 4.956 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng giảm 2% xuống 5.220 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ giảm, kết thúc chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp do nguồn cung bị gián đoạn bởi căng thẳng Nga – Ukraine. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương tiếp tục tăng.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 7-1/2 US cent xuống 12,86-1/2 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn 5/2022 tăng 2-1/4 US cent lên 7,53 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 30-1/4 US cent lên 16,89-3/4 USD/bushel.
Giá lúa mì giảm mạnh đầu phiên nhưng hồi phục vào cuối phiên sau khi hãng thông tấn Interfax cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh hạn chế nhập khẩu và xuất khẩu một số hàng hóa. Các thương gia và nhà nhập khẩu đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho các nguồn cung cấp của Ukraine và Nga, vốn thường chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới.
Ole Houe, giám đốc dịch vụ cố vấn của công ty môi giới nông nghiệp IKON Commodities ở Sydney cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến giá kỳ hạn Chicago giảm hôm nay nhưng điều đó không có nghĩa là giá trên thị trường vật chất sẽ đi xuống”. "Nguồn cung lúa mì đang khan hiếm và nhu cầu vẫn hoàn toàn mạnh."
Trong khi các cảng của Ukraine vẫn đóng cửa, các lệnh trừng phạt ngày càng sâu sắc của phương Tây đối với Moscow đang khiến các nhà nhập khẩu và chủ tàu không khuyến khích các thương vụ mua ngũ cốc của Nga.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 0,16 US cent tương đương 0,8% lên 19,43 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 3 USD tương đương 0,6% lên 536,3 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ giá năng lượng toàn cầu tăng cao bất chấp một số nghi ngờ về việc liệu điều đó có thúc đẩy các nhà máy đường ở Brazil tăng sản lượng ethanol nhiên liệu sinh học mà giảm sản lượng đường hay không.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bỏ qua các biện pháp kìm hãm giá nhiên liệu trong nước, làm giảm động lực cho các nhà máy chuyển đổi sản lượng.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 8,65 US cent lên 2,329 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 3,5 tháng trong phiên ngày 4/3/2022; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 59 USD tương đương 2,9% lên 2.094 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường đã tìm thấy sự hỗ trợ sau đợt giá giảm gần đây, với sự thắt chặt nguồn cung vẫn là một yếu tố đẩy giá twang .
“Tôi cho rằng đợt bán tháo từ 2,60 đô la xuống 2,20 đô la đã kéo dài một cách vô lý. Thị trường đã bán quá mức," một nhà môi giới cà phê cho biết, đồng thời thêm rằng các nguyên tắc cơ bản của thị trường vẫn tích cực đối với giá.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 5,5 tuần do thị trường chứng khoán châu Á giảm. Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Osaka giảm 10 JPY tương đương 4% xuống 243 JPY (2,11 USD)/kg. Trước đó trong phiên, giá cao su giảm hơn 5% - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 22/12/2020 và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/1/2022 (236,3 JPY/kg); cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 100 CNY xuống 13.640 CNY (2.159,94 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)