Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do tồn trữ dầu thô tại Mỹ giảm gần 5 triệu thùng trông khi nhu cầu nhiên liệu tăng lên mức cao kỷ lục.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 77 US cent tương đương 0,9% lên 91,55 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 30 US cent lên 89,66 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm 4,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/2, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi nhu cầu trong 4 tuần qua đạt mức cao kỷ lục 21,9 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, mức tăng trung bình theo dự báo của các nhà phân tích là 100.000 thùng.
Theo báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ ngày 8/2, nguồn cung dầu thô của nước này giảm 2 triệu thùng.
Ngoài ra, thị trường cũng được hỗ trợ bởi lo ngại về mối đe dọa nguồn cung tại UAE, nơi bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công từ Houthi Yemen.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD yếu đi và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.834,25 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2022 tăng 0,5% lên 1.836,6 USD/ounce.
Các chuyên gia cho biết, đồng USD giảm hỗ trợ cho giá vàng, nhưng nhìn chung thị trường vàng vẫn đi ngang vì đang chờ đợi Mỹ công bố chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) trong ngày 10/2.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức cao nhất kể từ tháng 11/2019, cùng với đó là đồng USD giảm khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Thị trường đang dồn sự chú ý vào việc Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1/2022 vào thứ Năm (10/2) để thêm thông tin rõ ràng hơn về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Các chuyên gia nhận định, giá tiêu dùng tăng đang làm xói mòn giá trị của các loại tiền tệ trên khắp thế giới, khiến vàng trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều người.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,5% lên 23,28 USD/ounce, bạch kim tăng 0,4% lên 1.036,02 USD/ounce, trong khi palladium tăng 1,7% lên 2.286,01 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm tăng lên mức cao nhất 13,5 năm, do nguồn cung thắt chặt bởi đóng cửa các nhà máy luyện tại châu Âu và Trung Quốc.
Giá nhôm trên sàn London tăng 2,5% lên 3.263 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 3.272 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 7/2008. Tính từ đầu năm đến nay, giá nhôm tăng 16% sau khi tăng 42% năm 2021 và đạt mức cao kỷ lục năm 2008 (3.380,15 USD/tấn). Goldman Sachs nâng dự báo giá nhôm trong 12 tháng tới là 4.000 USD/tấn và cho biết giá nhôm sẽ ở mức trung bình 3.450 USD/tấn trong năm 2022.
Các nhà máy luyện nhôm cắt giảm sản lượng do giá năng lượng tăng cao và cuộc đàn áp đối với ngành công nghiệp gây ô nhiễm tại Trung Quốc – nơi các nhà máy sản xuất nhôm sử dụng điện từ than đá.
Tồn trữ nhôm tại London giảm xuống 761.950 tấn – thấp nhất kể từ năm 2007 và giảm gần 2 triệu tấn so với tháng 3/2021. Đồng thời, tồn trữ nhôm tại Thượng Hải giảm 17,5% trong năm nay xuống 266.906 tấn.
Giá đồng tăng 3% lên 10.073,5 USD/tấn, kẽm tăng 1,8% lên 3.656 USD/tấn, chì tăng 2,6% lên 2.262 USD/tấn, thiếc tăng 0,5% lên 43.155 USD/tấn, và nickel tăng 2,4% lên 23.245 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm hơn 6%, rời khỏi chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, sau khi các nhà chức trách cam kết sẽ tăng cường giám sát thị trường và ngăn chặn mọi bất thường. Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên giảm 5,9% xuống 781 CNY/tấn, trong phiên có lúc giảm 6,2% xuống 779 CNY (122,41 USD)/tấn – phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 26/11/2021.
Đối với mặt hàng thép, giá thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 1,3% xuống 4.843 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 1,2% xuống 4.980 CNY/tấn; trong khi thép không gỉ kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 1,1% lên 18.210 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương và ngô Mỹ đạt mức cao nhất 8 tháng, do lo ngại thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng tại Nam Mỹ.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 25-3/4 US cent lên 15,94-3/4 USD/bushel, trước đó trong phiên đạt 15,99-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2021; giá ngô tăng 14-1/2 US cent lên 6,46-3/4 USD/bushel, sau khi đạt 6,47-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2021; trong khi giá lúa mì tăng 6-1/4 US cent lên 7,85 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 0,4 US cent tương đương 2,2% lên 18,48 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 3,6 USD tương đương 0,7% lên 503,2 USD/tấn.
Giá cà phê arabica đạt mức cao nhất hơn 10 năm do lo ngại nguồn cung khi tồn trữ chạm mức thấp nhất hơn 20 năm.
Theo đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 9,05 US cent tương đương 3,6% lên 2,5845 USD/lb – cao nhất kể từ tháng 9/2011 (2,5965 USD/lb). Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London phiên này cũng tăng 25 USD tương đương 1,1% lên 2.259 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất hơn 2 tuần, được thúc đẩy bởi giá cao su tại Thượng Hải và giá nguyên liệu tăng cao.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Osaka tăng 2,3 JPY tương đương 0,9% lên 251 JPY (2,17 USD)/kg - cao nhất kể từ ngày 21/1/2022; cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 45 CNY lên 14.655 CNY (2.303,16 USD)/tấn.