Năng lượng: Giá dầu trải qua tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021
Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần giảm nhiều nhất kể từ tháng 11/2021 khi triển vọng nguồn cung được cải thiện, giúp giảm bớt những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, giá dầu thô Brent tăng 3,34 USD, tương đương 3,1%, lên 112,67 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp 107,13 USD/thùng lúc đầu phiên; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,31 USD, tương đương 3,1%, lên 109,33 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 104,48 USD/thùng.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá dầu Brent vẫn giảm 4,8%, trái ngược với việc tăng 20% trong tuần trước, mặc dù phiên đầu tuần (7/3) đạt kỷ lục 139,13 USD/thùng. Giá dầu WTI tuần này cũng giảm 5,7%, dù đạt mức cao 130,5 USD/thùng trong phiên ngày 7/3/2022.
Giá dầu thô gần đây liên tục biến động, với xu hướng tăng chiếm ưu thế do lo ngại ngày càng lớn về sự khan hiếm nguồn cung, khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đối mặt với nguy cơ thất bại.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Các cuộc đàm phán về Iran đang tạm dừng là một yếu tố hỗ trợ thị trường”, đồng thời nói thêm rằng “những người tham gia thị trường giờ đây sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu xuất khẩu của Nga để biết được mức độ (nguồn cung) bị gián đoạn”.
Nhà phân tích Vivek Dhar thuộc Commonwealth Bank cho biết, trong ngắn hạn, tình trạng thiếu hụt nguồn cung khó có thể được bù đắp bởi sản lượng bổ sung từ các thành viên của OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC+, do Nga là 1 phần của nhóm. Ngoài ra, một số nhà sản xuất thuộc OPEC+ bao gồm Angola và Nigeria, rất khó đạt được mục tiêu sản xuất do thiếu đầu tư trong thời gian quan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các nước công nghiệp phát triển G7 sẽ thu hồi quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Nga, đồng thời công bố lệnh cấm của của Mỹ đối với hải sản, rượu và kim cương của Nga. Tuần này, Mỹ đã cấm dầu của Nga.
Tuần tới, trọng tâm chú ý của thị trường dự báo sẽ chuyển sang các báo cáo thị trường dầu từ Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Cả hai đều được dự báo sẽ cho thấy thị trường sẽ dư cung trong năm nay.
Dữ liệu về giàn khoan của Hoa Kỳ từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho thấy các nhà khoan dầu đã bổ sung thêm 13 giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên, nâng tổng số lên 663 giàn, là tuần thứ 9 tăng trong 10 tuần qua.
Dữ liệu là một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai. Các quan chức chính phủ Mỹ đã kêu gọi các nhà sản xuất trong nước và toàn cầu tăng sản lượng.
Kim loại quý: Giá vàng tăng nhẹ
Thị trường vàng thế giới vừa trải qua một tuần biến động mạnh, như những hàng hóa khác.
Phiên cuối tuần (11/3), giá vàng giảm sau khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin cho biết đã có tiến triển trong các cuộc đàm phán với Ukraine và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất – điều sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng là tài sản trú ẩn an toàn.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.984,2 USD/ounce; vàng kỳ hạn tương lai phiên này giảm 0,8% xuống 1.985 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần vẫn tăng khoảng 0,8% do lo ngại về xung đột Nga – Ukraine.
"Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng giá kim loại quý tăng nữa", vì điều đó có thể đồng nghĩa với lạm phát cao hơn, tăng trưởng chậm lại và ngân hàng trung ương tăng lãi suất ít hơn, nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết trong một thông báo.
Với lạm phát Mỹ tăng vọt vào tháng Hai, tỷ lệ đặt cược rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất chuẩn qua đêm lên ít nhất 25 điểm cơ bản vào ngày 16 tháng 3 đã tăng lên 94%.
Về các kim loại quý khác, giá palladium giao ngay trong phiên 11/3 giảm 4,9% xuống 2.785,18 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 7,2%, mặc dù đạt mức cao kỷ lục vào thứ Ba do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu là Nga. Trong khi đó, bạc giảm 0,2% xuống 25,82 USD/ounce; bạch kim tăng 0,3% lên 1.071,29 USD, nhưng tính chung cả tuần giảm nhiều nhất kể từ tháng 11.
Kim loại công nghiệp: Giá giảm trong tuần
Phiên cuối tuần, giá nhôm cũng tăng, song tính chung cả tuần cũng giảm. Sự kiện đáng chú ý trên thị trường này trong tuần là sự không chắc chắn về xuất khẩu của Nga đã đẩy giá tăng lên mức cao kỷ lục.
Kết thúc phiên 11/3, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,9% lên 3.493 USD/tấn. Kim loại này - được sử dụng trong vận tải, xây dựng và đóng gói - đã tăng vọt từ khoảng 3.300 vào ngày 23 tháng 2 lên 4.073,50 USD hôm 7/3, sau đó quay trở lại mức 3.300 USD hôm thứ Tư (9/3) trước khi giảm tiê đô la vào thứ Tư.
Tính từ đầu năm đến nay, giá nhôm tăng 25% sau khi tăng 42% năm 2021.
Nga sản xuất khoảng 6% sản lượng nhôm toàn cầu và là nước sản xuất chủ chốt đồng và nickel, các kim loại quý, năng lượng và sản phẩm cây trồng.
Ngoài ra, giá nhôm tăng còn do tồn trữ nhôm tại London giảm xuống 755.950 tấn, so với gần 2 triệu tấn 1 năm trước đó.
Về các kim loại khác, giá đồng phiên cuối tuần tăng 0,4% lên 10.159 USD/tấn, nhưng giảm khoảng 5% trong tuần này; kẽm giảm 1,3% xuống 3.819,50 USD và giảm khoảng 6% trong tuần này; chì giảm 1,2% xuống 2.328,50 USD trong một phiên và giảm 5% trong tuần này; thiếc tăng 1,2% lên 44.250 USD trong ngày 11/3 nhưng giảm 7% trong tuần.
Sắt thép tăng trong phiên cuối tuần và cũng tăng trong tuần. Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 3,8% lên 822 CNY/tấn, đầu phiên giao dịch tăng 5,9% lên 839 CNY (132,66 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 1,2%, là tuần tăng thứ 2 liên tiếp do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tại các nhà máy thép hồi phục.
Xuất khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil trong tuần trước đạt 22,45 triệu tấn, giảm 567.000 tấn so với tuần trước đó, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,9% lên 4.917 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 5.137 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 4/2022 giảm phiên thứ 3 liên tiếp và giảm 3,6% xuống 19.235 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép không gỉ tăng 2,5% trong bối cảnh giá nickel nguyên liệu biến động.
Nông sản: Giá lúa mì, đường và cà phê giảm
Giá lúa mì Mỹ tăng trong phiên cuối tuần, sau khi giảm mạnh ở 2 phiên liền trước khi các thương nhân đánh giá những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn các chuyến tàu chở ngũ cốc từ khu vực Biển Đen. Giao dịch lúa mì vẫn không ổn định khi những người tham gia thị trường phải vật lộn với mức độ gián đoạn có thể xảy ra đối với lúa mì từ Ukraine và Nga cũng như nhu cầu đối với các nhà cung cấp khác bao gồm Liên minh châu Âu và Mỹ.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 19-1/2 US cent lên 11,06-1/2 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá lúa mì giảm 8,5% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2016, sau khi tăng 40,1% trong tuần trước đó. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 10-1/4 US cent xuống 16,76 USD/bushel, trong khi giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 6-3/4 US cent lên 7,62-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô phiên này cũng tăng, được thúc đẩy bởi khả năng chuyển sản xuất ethanol nhiều hơn đường, sau khi công ty dầu khí nhà nước - Petrobras, Brazil - nâng giá nhiên liệu. Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 0,14 US cent tương đương 0,7% lên 19,24 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 2,7 USD tương đương 0,5% lên 530,2 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 2,25 US cent tương đương 1% xuống 2,2195 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 2 USD tương đương 0,1% lên 2.095 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, do giá dầu vững và thị trường chứng khoán toán cầu giảm sau số liệu lạm phát nóng của Mỹ, làm gia tăng đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Osaka giảm 1,4 JPY tương đương 0,6% xuống 244,1 JPY (2,09 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 4,4%; giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 280 CNY xuống 13.825 CNY (2.187,85 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)