Năng lượng: Gía giảm hơn 10%
Giá dầu WTI giảm khoảng 13% trong tuần qua, trong khi dầu Brent giảm khoảng 11%, đánh dầu tuần giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm, sau khi các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đồng ý với Mỹ trong việc cùng gia tham trong chiến dịch xuất kho dầu dự trữ dầu lớn nhất từ trước đến nay.
Chốt phiên 1/4 dầu thô Brent giảm 32 US cent, hay 0,3%, xuống 104,39 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,01 USD, hay 1%, xuống 99,27 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu giảm khoảng 11-13%, mức giảm nhiều nhất trong vòng 26 tháng qua.
Đà giảm bắt đầu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo phát hành kho dầu dự trữ chiến lược trong ngày 31/3, và trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc tiến hành phong tỏa để hạn chế số ca mắc COVID-19, làm dấy lên lo ngại về tác động đối với nhu cầu dầu.
Các công ty năng lượng Mỹ tuần trước đã bổ sung thêm số giàn khoan dầu và khí tự nhiên tuần thứ hai liên tiếp, nhưng tăng trưởng số giàn khoan vẫn thấp bởi các nhà khoan dầu tiếp tục trả tiền mặt cho cổ đông vì giá dầu cao tăng hơn là tăng sản lượng.
IEA đã kết thúc hội nghị khẩn cấp bộ trưởng trong ngày 1/4 để thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ cũng như đưa ra quyết định về việc cùng giải phóng dầu từ các kho dự trữ chiến lược.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các nước thành viên IEA sẽ tiếp tục đàm phán về một chương trình phối hợp mở kho dự trữ năng lượng. Khối lượng và thời gian của chương trình này có thể được thông qua qua sớm nhất trong vòng một tuần tới.
Tuy nhiên, vẫn có những hoài nghi rằng quyết định giải phóng dầu từ kho dự trữ của Mỹ có thể thay đổi cơ cấu của thị trường trong một thời gian dài. Damien Courvalin, chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định về mặt lý thuyết, đồng thái của Mỹ sẽ giúp ích cho thị trường dầu mỏ, song đây không phải là giải pháp cung cấp dầu mỏ lâu dài cho những năm tới.
Các chuyên gia nhấn mạnh lượng dầu dự trữ Mỹ tung ra thị trường vẫn không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm dầu thô của Nga. Theo IEA, sản lượng dầu của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày trong tháng Tư. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung bổ sung từ Mỹ sẽ chỉ thay thế 1/3 sản lượng bị hụt từ Nga.
Trong bối cảnh này, JPMorgan cho biết họ đã giữ nguyên dự báo giá dầu ở mức 114 USD/thùng trong quý II/2022 và 101 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.
Kim loại quý: Giá vàng giảm gần 2%
Giá vàng giảm do USD tăng sau khi số liệu việc làm của Mỹ đạt mức cao khiến thị trường gia tăng đặt cược rằng Mỹ sẽ tăng mạnh lãi suất.
Kết thúc phiên 1/4, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.921,86 USD/ounce, vàng giao sau giảm 1,6% xuống 1.923,7 USD/ounce. Tính chung cả tuần giá vàng giảm 1,8%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD tăng, khiến vàng kém hấp dẫn cho người mua bằng đồng tiền khác.
Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 431.000 việc làm trong tháng Ba, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,6%. Trước đó, các nhà phân tích dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm khoảng 490.000 việc làm trong tháng Ba và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua và tiền lương tăng trở lại củng cố dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 5. Kỳ vọng nâng lãi suất đã khiến vàng suy giảm, vì điều đó khiên chi phí cơ hội tăng cao hơn đối với việc nắm giữ kim loại quý vốn không sinh lời này.
Chi tiêu tiêu dùng linh hoạt và nhu cầu lao động mạnh đã thúc đẩy kinh tế Mỹ tạo được mức tăng trưởng việc làm ổn định. Bộ Lao động Mỹ cũng điều chỉnh mức tăng việc làm trong tháng 1 và tháng 2/2022 lên tổng cộng 95.000 việc làm, nâng tổng số việc làm tạo mới từ đầu năm đến nay lên 1.685.000 việc làm.
Dữ liệu trên đã hỗ trợ đà tăng cho đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities, nhận định: “Chính sách của Fed còn một chặng đường dài để trở về bình thường và vàng sẽ tiếp tục vững chắc”.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine dự kiến sẽ được nối lại ngay cả khi Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo.
Ông Melek nói: "Trong ngắn hạn, có thể thấy một môi trường thắt chặt hơn đối với nhóm kim loại quý, đặc biệt là palladium”.
Cũng trong phiên này, giá bạc hạ 0,9%, xuống 24,55 USD/ounce, đưa mức giảm cả tuần xuống 3,8%. Giá bạch kim cũng mất 0,1%, xuống 982,17 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,4%, lên 2.269,63 USD/ounce. Giá bạch kim và palladium tuần qua đều chứng kiến tuần giảm giá thứ tư liên tiếp.
Kim loại công nghiệp: Giá giảm, nhôm giảm mạnh nhất
Giá đồng, nhôm, nickel…đồng loạt giảm trong tuần qua do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc sẽ giảm sút.
Phiên cuối tuần, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,1% xuống 10.264,5 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm khoảng 5%. Hợp đồng đồng kỳ hạn tháng 5 tại sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa giảm 0,5% xuống 73.160 CNY (11.514,55 USD)/tấn sau khi kết thúc tháng 3 có quý tăng thứ 8 liên tiếp.
Giá nhôm phiên này cũng giảm 1,2% xuống 3.449 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm khoảng 14%, nhiều nhất trong số các kim loại cơ bản. Tương tự, giá chì giảm 0,4% xuống 2.406 USD/tấn.
Trái lại, giá kẽm trên sàn LME đã chạm mức cao nhất 3 tuần, tăng 3,9% lên 4.334 USD/tấn sau khi tồn kho của sàn LME giảm 10% xuống 95.125 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Giá nickel phiên này tăng 4,7% lên 32.600 USD/tấn nhưng tính chung cả tuần vẫn giảm.
Giá quặng sắt Trung Quốc tăng lên gần mức cao nhất trong 8 tháng do số liệu hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ làm dấy lên kỳ vọng Chính phủ sẽ có thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa phiên cuối tuần tăng 3,5% lên 926 CNY (145,75 USD)/tấn, là tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Trong phiên có lúc giá chạm mức cao nhất từ ngày 5/8/2021, là 926,5 CNY/tấn. Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 phiên này tăng 1,4% lên 161,9 USD/tấn. Quặng sắt nhập khẩu giao ngay tại Trung Quốc giao dịch ở mức 158,5 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 9/3, theo số liệu của công ty SteelHome.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tháng 3 giảm ở tốc độ nhanh nhất trong vòng 2 năm, do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và do xung đột tại Ukraine khiến sản xuất và nhu cầu giảm mạnh.
Để hỗ trợ nền kinh tế này, Bắc Kinh dự kiến tung ra các chính sách gồm hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng thông qua trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt và khu vực doanh nghiệp thông qua giảm thuế và phí. Họ cũng cho biết sẽ cắt giảm lãi suất chính sách và tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Nông sản: Giá hầu hết giảm
Giá nông sản hầu hết đều giảm trong tuần qua do thị trường kỳ vọng vào cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Theo đó, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá ngô giao tháng 5/2022 giảm 13,75 US cent (1,84%) xuống 7,35 USD/bushel, ngô kỳ hạn tháng 12, đại diện cho vụ thu hoạch năm 2022 tăng lên mức cao nhất do lo lắng về sự sụt giảm trong diện tích trồng ở Mỹ. Giá ngô Mỹ đang chịu sức ép khi giá ngô của Argentina đang rẻ hơn gần 1 USD, điều này đã thúc đẩy các nhà mua thức ăn chăn nuôi trên thế giới chuyển sang Argentina.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago đã cắt giảm ước tính xuất khẩu ngô giai đoạn 2021-2022 của Mỹ xuống 50 triệu bushel và sẽ có sự điều chỉnh tương tự trong tháng 4/2022 nếu hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ không cải thiện. Ngày 1/4, khoảng 130.000 tấn ngô đã được bán cho một người mua giấu tên.
Dự báo thời tiết cho thấy khu vực Tây Canada và khu vực đồng bằng Mỹ sẽ có ít mưa trong hai tuần tới. Thời tiết ấm lên trong 11-15 ngày tới phù hợp để bắt đầu gieo trồng ngô.
Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 21,5 US cent (2,14%) xuống 9,845 USD/bushel do áp lực bởi xuất khẩu của Mỹ chậm. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 5/2022 giảm 35,5 US cent (2,19%) xuống 15,8275 USD/bushel, lần đầu tiên trong một tháng giảm xuống dưới 6 USD/bushel, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo diện tích trồng đậu tương của Mỹ kỷ lục.
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 0,12 US cent hay 0,6% xuống 19,37 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 3 USD hay 0,6% xuống 538,5 USD/tấn.
Các đại lý cho biết việc bắt đầu niên vụ đường mới tại trung nam Brazil sẽ tập trung vào giá năng lượng do các nhà máy lựa chọn sử dụng mía vụ mới để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol hay đường.
Đồng nội tệ của Brazil tăng 1,7% so với USD trong ngày 1/4 lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, điều này cản trở các nhà máy bán đường ra thị trường. Brazil đã xuất khẩu 1,44 triệu tấn đường trong tháng 3, so với 1,97 triệu tấn năm ngoái.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa phiên cuối tuần tăng 2 US cent hay 0,9% lên 2,284 USD/lb, tăng phiên thứ 4 liên tiếp; cà phê robusta trái lại giảm 26 USD hay 1,2% xuống 2.139 USD/tấn.
Brazil, nước trồng cà phê hàng đầu thế giới đã xuất khẩu 203.112 tấn cà phê trong tháng 3 so với 241.605 tấn một năm trước. Đồng nội tệ của Brazil mạnh lên cũng hạn chế nông dân bán cà phê.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng tuần thứ 3 do đồng JPY yếu và giá nguyên liệu thô tăng, trong khi số liệu sản xuất trong nước mạnh cũng hỗ trợ tâm lý.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,9 JPY hay 0,7% lên 261,8 JPY (2,14 USD)/kg, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 1/3 tại 262,6 JPY trong đầu phiên này. Tính chung cả tuần giá cao su tăng 2,1%. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa phiên cuối tuần giảm 5 CNY xuống 13.830 CNY (2.175,79 USD)/tấn.
Hoạt động sản xuất của Nhật Bản tháng 3 tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước đó do nhu cầu trong nước tăng lên. Nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt do mùa đông tại Thái Lan.