Năng lượng: Giá dầu Brent tăng, WTI giảm
Giá dầu mỏ tuần qua diễn biến thất thường. Phiên cuối tuần, dầu Brent tăng 57 US cent hay 0,6%, lên 93,54 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 69 US cent hay 0,5% xuống 91,07 USD/thùng.
Trước đó, phiên 14/2, cả 2 loại dầu đều đạt mức giá cao chưa từng có kể từ tháng 9/2014 do lo ngại căng thẳng gia tăng xung quanh Ukraina có thể gây gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, đà tăng đã không duy trì liên tục ở những phiên tiếp theo.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 1,7%, kết thúc chuỗi tám tuần tăng liên tiếp do triển vọng xuất khẩu dầu của Iran tăng làm lu mờ lo sợ về khả năng gián đoạn nguồn cung bởi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraina. Trong khi đó, giá dầu Brent tuần qua tăng nhẹ 0,9%, ghi dấu tuần tăng giá thứ chín liên tiếp.
Lo ngại về việc nguồn cung có thể bị gián đoạn do sự hiện diện của quân đội Nga tại biên giới Ukraine đã hạn chế đà giảm của giá dầu trong tuần này. Thủ tướng Italia cho biết bất kỳ lệnh trừng phạt nào Liên minh Châu Âu có thể áp đặt lên Nga không nên bao gồm nhập khẩu năng lượng.
Phương Tây đã cảnh báo Nga, nhà cung cấp dầu và khí đốt hàng đầu thế giới, bằng các biện pháp trừng phạt mới nếu nước này có hành động quân sự liên quan tới Ukraine, cho dù Nga phủ nhận việc lên kế hoạch cho bất kỳ hành động quân sự nào.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) nói rằng, một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới đã gần kết thúc, nhưng thành công phụ thuộc vào ý chí chính trị của những người có liên quan. Thỏa thuận đang hình thành nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới đặt ra nhiều giai đoạn nhằm đưa hai bên tuân thủ hoàn toàn, và giai đoạn đầu tiên không bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngành dầu mỏ. Do đó, các nhà phân tích cho biết, rất ít khả năng dầu thô của Iran quay trở lại thị trường trong tương lai gần để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay.
OPEC+ sẽ nỗ lực để đưa Iran vào hiệp ước sản lượng dầu mỏ của họ nếu Tehran và các cường quốc thế giới nhất trí khôi phục thỏa thỏa thuận hạt nhân của họ.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung 4 giàn khoan dầu lên tổng cộng 520 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Đây là một dấu hiệu cho thấy sản lượng sẽ tăng trong tương lai.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tuần thứ 3 liên tiếp
Giá vàng thế giới giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, rời khỏi mức quan trọng 1.900 USD/ounce khi thị trường đặt nhiều hy vọng cuộc đàm phán Mỹ-Nga sẽ mang lại sự bình tĩnh cho giới đầu tư. Tuy nhiên, những lo ngại về tình hình Ukraine vẫn giúp vàng ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp với mức tăng mạnh nhất trong chín tháng.
Kết thúc phiên 18/2, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1,896,04 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 tại 1.902,22 USD/ounce, tính chung cả tuần giá tăng 1,9% trong tuần này. Vàng kỳ hạn tương lai phiên này giảm 0,1% xuống 1.899,80 USD/ounce.
Ngoại trưởng Mỹ đã đồng ý gặp Ngoại trưởng Nga vào tuần này, làm dịu đi lo lắng của các nhà đầu tư và giảm nhu cầu trú ẩn an toàn.
Chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty môi giới đầu tư RJO Futures (Mỹ), Bob Haberkorn, đánh giá diễn biến mới nhất xung quanh tình hình Nga - Ukraine là khá tích cực và điều đó khiến vàng giảm giá nhẹ. Theo ông, đợt giảm này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì những căng thẳng kéo dài sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng.
Trong khi đó, nhà phân tích Fawad Razaqzada của công ty môi giới đầu tư ThinkMarkets, có trụ sở hoạt động tại London (Anh) và Melbourne (Australia), cho biết giới đầu tư đang tìm kiếm sự bảo vệ từ các tài sản trú ẩn như vàng không chỉ vì tình hình Ukraine và thị trường chứng khoán biến động mạnh, mà còn do áp lực lạm phát gia tăng.
Về những kim loại quý khác, giá palladium phiên cuối tuần giảm 1,2% xuống 2.339,12 USD/ounce; bạch kim giảm 1,7% xuống 1.071,01 USD/ounce, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng khoảng 4%, mức tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 1. Giá bạc phiên này tăng 0,6% lên 23,96 USD/ounce, và tính chung cả tuần cũng tăng.
Kim loại công nghiệp: Giá quặng sắt giảm mạnh, nickel tăng
Phiên cuối tuần, giá quặng sắt giao tháng 5 tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc giảm 1,4% xuống 685 CNY (108,28 USD)/tấn, sau khi giảm xuống 661,5 CNY, mức thấp nhất kể từ ngày 29/12/2021. Tính chung cả tuần quặng sắt giảm 19%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020 và là tuần giảm 5 phiên liên tiếp do các thương nhân cảnh giác trước những nỗ lực tăng cường của cơ quan quản lý Trung Quốc để hạn chế giá tăng gần đây.
Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 3 kết thúc phiên 18/2 giảm 0,1% xuống 131,55 USD/tấn và đã giảm 12% trong tuần này; quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc giảm xuống 134,5 USD/tấn trong ngày 17/2, mức thấp nhất kể từ ngày 19/1 và giảm khoảng 12% từ mức đỉnh 5,5 tháng tại 152,5 USD/tấn đạt được trong ngày 10/2, theo công ty tư vấn SteelHome.
Trái với quặng sắt, giá nickel trong phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 21/1 do lo ngại về tình trạng tồn kho thấp và khả năng phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt với nhà sản xuất Nga - có thể làm gián đoạn xuất khẩu của nước này. Nga sản xuất khoảng 7% nickel, 6% nhôm và 3% đồng tinh luyện của thế giới
Theo đó, giá nickel trên sàn giao dịch LME kết thúc phiên 18/2 tăng 1,1% lên 24,140 USD/tấn trước đó đã chạm mức 24.260 USD/tấn. Kim loại này đã tăng giá 16% trong năm nay sau khi tăng 25% trong năm 2021.
Nickel được sử dụng để sản xuất pin cho xe điện. Nhu cầu trong lĩnh vực này mạnh mẽ trong một khoảng thời gian và là một trong những lý do đằng sau sự cạn kiệt của nguồn dự trữ nicken.
Dự trữ nicken của sàn giao dịch LME giảm 69% kể từ tháng 4/2021 xuống 83.328 tấn.
Cũng trong phiên cuối tuần, giá thiếc tăng 0,6% lên 44.100 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao kỷ lục 44.370 USD/tấn; giá đồng tăng 0,2% lên 9.950 USD/tấn, nhôm giảm 0,6% xuống 3.248 USD/tấn, kẽm giảm 0,9% xuống 3.573 USD/tấn, và chì giảm 0,4% xuống 2.336.5 USD/tấn.
Nông sản: Giá biến động trái chiều
Trong phiên giao dịch 18/2, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đi ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn giá lúa mỳ giảm nhẹ.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 tăng 3,5 US cent (0,54%) lên 6,5275 USD/bushel; đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 7,5 US cent (0,47%) lên 16,035 USD/bushel; trong khi lúa mỳ giao tháng 5/2022 giảm 0,75 US cent (0,09%) xuống 8,04 USD/bushel.
Như vậy, giá đậu tương và ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng ngày thứ 3 liên tiếp do lo ngại về việc thu hoạch ở Brazil và Argentina. Lúa mì diễn biến trái chiều với những lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraina làm gián đoạn xuất khẩu lúa mì từ khu vực quan trong này đẩy giá lúa mì cứng đỏ vụ đông lên mức cao nhất 7,5 tuần. Nhưng lúa mì mềm đỏ vụ đông đóng cửa giảm bởi chốt lời cuối phiên.
Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa vào 21/2 để nghỉ lễ ngày Tổng thống Hoa Kỳ (Presidents Day). Công ty nghiên cứu AgResource tại Chicago lưu ý rằng khối lượng giao dịch hàng hóa trên sàn CBOT khá thấp bởi rất ít người muốn bán ra do lo ngại về tình hình địa chính trị ở Ukraine.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo đã bán được 198.000 tấn đậu tương. Theo thông tin từ công ty AgResource, khoảng 66.000 tấn hàng hóa từ vụ thu hoạch trước sẽ cập bến Ai Cập, còn khoảng 132.000 tấn từ vụ thu hoạch mới được xuất đến Trung Quốc. Đậu tương Mỹ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới từ tháng 4/2022 trở đi.
Dự báo thời tiết cho thấy phần lớn các khu vực tại Argentina sẽ có mưa lớn từ giữa tuần tới trở đi. Trong khi đó, khu vực phía Nam Brazil sẽ không có mưa trong 10 ngày tới, có khả năng ảnh hướng đến vụ ngô Đông đang được gieo hạt tại đây. Vụ ngô Đông của Brazil cần có mưa để hạt có thể nảy mầm thuận lợi.
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 0,08 US cent hay 0,4% xuống 18,2 US cent/lb sau khi tăng lên mức 18,48 US cent, cao nhất kể từ ngày 10/2; đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 1,9 USD hay 0,4% xuống 484,9 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường được củng cố bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn, với giá đường giao tháng 3 cao hơn tháng 5 khoảng 0,55 US cent.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta sụt giảm trở lại, với hợp đồng giao tháng 5/2022 giảm 19 USD, xuống 2.255 USD/tấn; trong khi hợp đồng giao tháng 7/2022 giảm 16 USD xuống 2.235 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica cũng tiếp tục sụt giả, với hợp đồng giao tháng 5/2022 giảm 4,65 US cent Mỹ xuống 246 xu Mỹ/lb, trong khi kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 4,45 US cent xuống 244,70 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê hai sàn sụt giảm sau khi các nhà đầu cơ đã hoàn tất hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 3/2022. Trong khi thị trường dự kiến nguồn cung sắp tới sẽ rất dồi dào do Brazil và Indonesia bước vào thu hoạch vụ cà phê Robusta mới năm nay.
Dự báo về sản lượng cà phê Brazil của vụ mùa năm 2021 và vụ mùa năm 2022 vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy vậy, thị trường vẫn quan tâm năm nay là vụ được mùa theo chu kỳ “hai năm một” ở Brazil, và không loại trwf khả năng Brazil sẽ thu hoạch 58,9 triệu bao cà phê trong niên vụ 2022/23, nhiều hơn so với 53,7 triệu bao họ đã sản xuất trong niên vụ trước đó.
Giá cao su Nhật Bản phục hồi trong phiên cuối tuần và có tuần thứ 3 tăng liên tiếp bởi giá nguyên liệu thô duy trì ở mức cao và nhu cầu duy trì cao từ các nhà sản xuất găng tay cao su trong đại dịch.
Theo đó, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 5,1 JPY hya 2% lên 257,6 JPY (2,24 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá tăng 1,5%, đây là tuần thứ ba cao su tăng giá liên tiếp.
Mưa rào tại Thái Lan trong vài ngày qua đã hỗ trợ phần nào cho giá do việc khai thác cây cao su bị đình trệ. Giá cao su tấm của Thái Lan đạt 72 baht (2,24 USD)/kg, cao nhất kể từ tháng 6/2021.