Năng lượng: Giá dầu tăng mạnh
Giá dầu tăng 1 tuần thứ 2 liên tiếp do lệnh trừng phạt của EU đối với dầu thô của Nga làm gia tăng nguy cơ nguồn cung bị thắt chặt và lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá dầu thô Brent tăng 1,49 USD, tương đương 1,3%, lên 112,39 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,51 US cent, tương đương 1,4% lên 109,77 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 5%, trong khi dầu Brent tăng gần 4%.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ quay đầu giảm trong phiên cuối tuần, lùi 8% khỏi mức cao nhất 13 năm trong phiên trước đó, do dự báo sản lượng tăng, thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu trong 2 tuần tới giảm. Cụ thể, hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York giảm 74 US cent tương đương 8,4% xuống 8,043 USD/mmBTU, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá khí tự nhiên tăng 11%.
Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group cho biết: “Trong ngắn hạn, các nguyên tắc cơ bản đối với dầu là tăng giá và chỉ có những lo ngại về sự suy giảm kinh tế trong tương lai kìm hãm xu hướng này”.
EU đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu của Nga như một phần của gói trừng phạt cứng rắn nhất đối với cuộc xung đột tại Ukraine. Nhóm này đang điều chỉnh kế hoạch trừng phạt của mình, hy vọng sẽ thuyết phục được mọi thành viên ủng hộ kế hoạch này. Đề xuất ban đầu kêu gọi chấm dứt nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu của EU vào cuối năm nay.
Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM cho biết: "Lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Nga đang khiến nguồn cung bị thắt chặt.
Bỏ qua lời kêu gọi từ các quốc gia phương Tây về việc tăng sản lượng nhiều hơn, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các nhà sản xuất đồng minh (OPEC +), vẫn mắc kẹt với kế hoạch nâng mục tiêu sản lượng tháng 6 lên 432.000 thùng/ngày. Mặt khác, các nhà phân tích nhận định mức tăng sản lượng thực tế của nhóm sẽ ít hơn nhiều do hạn chế về năng lực.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực Châu Á Thái Bình Dương của OANDA cho biết: “Không có cơ hội để một số thành viên lấp đầy hạn ngạch đó vì những thách thức sản xuất ảnh hưởng đến Nigeria và các thành viên châu Phi khác”.
Về phía nguồn cung, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã tăng năm lên 557 trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020.
Các nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu của Mỹ sẽ tăng vào mùa thu này khi Washington công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng dầu thô để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Tuy nhiên, những dấu hiệu nền kinh tế toàn cầu suy yếu gây ra lo ngại về nhu cầu, hạn chế mức tăng giá dầu.
Hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo nước Anh có nguy cơ xảy ra hai đợt suy thoái và lạm phát trên 10%. Anh đã tăng lãi suất một phần tư điểm phần trăm lên 1%, mức cao nhất kể từ năm 2009.
Các quy định nghiêm ngặt về COVID-19 ở Trung Quốc đang tạo ra sóng gió cho nền kinh tế lớn thứ hai và là nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Kim loại quý: Giá vàng giảm tuần thứ 3 liên tiếp
Giá vàng trong phiên cuối tuần qua tăng do đồng USD giảm, song triển vọng tăng lãi suất tích cực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khiến vàng có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi palađi giảm hơn 8% do lo ngại nhu cầu.
Theo đó, giá vàng giao ngay trong phiên cuối tuần tăng 0,3% lên 1.882,78 USD/ounce, vàng kỳ hạn giao sau tăng 0,4% lên 1.882,8 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá giảm 0,7%.
Trong khi đó, giá palladium phiên này giảm 6,3% xuống 2.049,13 USD/ounce, trong phiên có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022 (2.002 USD/ounce); tính chung cả tuần, giá palladium giảm 12%.
Đồng USD giảm 0,2% khiến vàng rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Nhưng đà tăng của giá vàng bị hạn chế bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Edward Moya, một nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: “Có những lo ngại rằng triển vọng của Trung Quốc đang tiếp tục xấu đi và bạn có thể thấy nhu cầu giảm đối với một số kim loại trong ngắn hạn và điều đó khiến giá palladium giảm,” Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết.
Được sử dụng trong ống xả của xe để hạn chế khí thải, kim loại này đã giảm giá gần 10,9% từ đầu quý 2 đế nay, sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại vào đầu tháng 3, ở mức 3.440,76 USD do lo ngại cuộc chiến ở Ukraine có thể làm giảm nguồn cung từ nhà sản xuất chủ chốt Nga.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,8% xuống 22,32 USD/ounce, bạch kim giảm khoảng 2% xuống 962,00 USD.
Kim loại công nghiệp: Giá nhôm giảm tuần thứ 6 liên tiếp
Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng trong phiên cuối tuần do lo ngại về triển vọng nhu cầu khi hoạt động sản xuất chậm lại, đặc biệt tại Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu thế giới.
Trên sàn giao dịch London, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng kết thúc phiên cuối tuần giảm 2,5% xuống 2.842 USD/tấn.
Giá kim loại được sử dụng rộng rãi trong ngành điện, xây dựng và đóng gói trước đó đã chạm mức 2.832 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 5/1.
Tính chung cả tuần, giá nhôm giảm, là tuần giảm thứ 6 liên tiếp. Tính từ đầu tháng 3/2022 đến nay, giá nhôm giảm 30%.
Nhà phân tích Tom Mulqueen của AMT cho biết: “Lo ngại về tăng trưởng và nhu cầu ngược chiều nhau từ việc Trung Quốc liên phong tỏa chống COVID là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực bán kim loại cơ bản.
Hoạt động nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 4/2022 giảm mạnh nhất trong 26 tháng, cùng với đó là hoạt động sản xuất tại Mỹ và khu vực euro zone cũng giảm.
"Tăng trưởng sản xuất toàn cầu chậm lại, Fed tăng lãi suất và áp lực lạm phát rộng hơn đối với hoạt động kinh tế cũng đè nặng lên giá kim loại", ông Mulqueen cho biết.
Về các kim loại cơ bản khác, giá đồng phiên cuối tuần giảm 0,8% xuống 9.410 USD/tấn, kẽm giảm 3,5% xuống 3.768 USD/tấn, chì giảm 1,7% xuống 2.238 USD, thiếc giảm 2,6% xuống 39.455 USD và nickel ít thay đổi, ở mức 30.020 USD/tấn.
Dự trữ đồng trong các kho có đăng ký của LME hiện ở mức 170.025 tấn, đã tăng gần gấp ba trong vài tháng qua và hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên và Singapore giảm hơn 5% trong phiên cuối tuần, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các biện pháp cứng rắn để chống COVID-19 khiến các thương nhân thận trọng hơn.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên đảo chiều giảm 5,1% xuống 825 CNY (123,47 USD)/tấn, sau 4 phiên tăng; giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Singapore giảm 5,4% xuống 137,45 USD/tấn và có tuần giảm thứ 5 liên tiếp.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% Fe giao ngay vào Trung Quốc ở mức 144,5 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt giao ngay tăng 18%.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây, thép cuộn cán nóng và thép không gỉ đều giảm 3,7% mỗi loại.
Nông sản: Giá hầu hết giảm
Trong tuần qua, giá ngô, đậu tương, đường và cà phê đều giảm, ngoại trừ lúa mì và cao su tăng.
Phiên cuối tuần, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) biến động tăng giảm trái chiều, với giá ngô và đậu tương giảm trong khi giá lúa mỳ tăng.
Giá ngô và đậu tương Mỹ giảm do lãi suất tăng và áp lực tiền tệ đè nặng lên xuất khẩu của Mỹ và dự báo thời tiết khô và ấm khu vực Trung tây Mỹ làm gia tăng về triển vọng năng suất cây trồng tại khu vực này. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 25 US cent xuống 16,22 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 12-3/4 US cent xuống 7,84-3/4 USD/bushel.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 2 US cent lên 11,08-1/2 USD/bushel và có tuần tăng 4,99%.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng người dùng cuối có thể sử dụng thời gian này để tính toán về báo cáo mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra ngày 5/5.
Thời tiết gieo trồng cải thiện đang gây ra áp lực ngắn hạn đối với giá cả trên sàn CBOT.
AgResource quan ngại giá ngũ cốc giảm sẽ kéo dài hoặc rất sâu. Giá lúa mỳ sẽ được theo dõi sát sao theo tình hình hạn hán ở Liên minh châu Âu.
Giá dầu cọ Malaysia giảm hơn 5% trong phiên cuối tuần và có tuần giảm mạnh nhất trong 7 tuần do tồn trữ tính đến cuối tháng 4/2022 tăng mạnh. Theo đó, dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 346 ringgit, tương đương 5,12%, xuống 6.406 ringgit (1.466,58 USD)/tấn – giảm phiên thứ 2 liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 9,8% - tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/3/2022.
Tồn trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 4/2022 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2022, tăng 5,2% so với tháng trước đó lên 1,55 triệu tấn. Sản lượng dầu cọ dự kiến tăng 4,9% lên mức cao nhất 5 tháng (1,48 triệu tấn), trong khi xuất khẩu giảm 5,6% xuống 1,2 triệu tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE tăng 0,38 US cent tương đương 2% lên 19,16 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 9 USD tương đương 1,7% lên 531,3 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường đang được hỗ trợ bởi hoạt động mua ngắn hạn, cũng như triển vọng sản lượng ethanol ở Brazil tăng – khiến lượng mía dành cho sản xuất đường sẽ giảm.
Tuy nhiên, xuất khẩu mạnh từ Ấn Độ được cho là đang ngăn giá tăng mạnh.
Trung Quốc dự kiến sẽ sản xuất thêm 400.000 tấn đường trong niên vụ 2022/23, USDA cho biết.
Giá cà phê arabica giảm xuống mức thấp nhất gần 6 tháng trong phiên cuối tuần do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm làm gia tăng dự đoán nhu cầu sẽ giảm.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 6,8 US cent tương đương 3,1% xuống 2,1045 USD/lb, trong phiên có lúc chạm 2,1 USD/lb – thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London giảm 53 USD tương đương 2,5% xuống 2.083 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất 5 tuần (2.159 USD/tấn) trong phiên trước đó.
Tại Việt Nam, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 800 – 900 đồng, xuống dao dộng trong khoảng 40.200 – 40.700 đồng/kg. Giá trị đồng reais của Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1,5 tháng thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu do họ sẽ thu về được nhiều đồng nội tệ hơn. Trong khi chỉ số đồng USD tiếp tục tăng khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ làm giảm sức mua từ các thị trường mới nổi.
Cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine kéo dài và Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero COVID" khiến nguy cơ kinh tế suy thoái ngày càng tăng, điều này sẽ dẫn tới sức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm là điều không thể tránh khỏi.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phhieen cuối tuần theo xu hướng giá tại thị trường Thượng Hải giảm, trong khi đó giá tiêu dùng cốt lõi của Tokyo tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong 7 năm, đã gây áp lực thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Osaka giảm 1,8 JPY tương đương 0,7% xuống 251,7 JPY (1,93 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 0,8%; cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 140 CNY xuống 12.745 CNY (1.907,48 USD)/tấn.
Giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản - chỉ số hàng đầu về xu hướng giá cả của Nhật Bản - tăng 1,9% trong tháng 4/2022 so với cùng tháng năm ngoái.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)