Liên đoàn gồm các công đoàn đại diện cho các công nhân cảng và hàng hải của Argentina (FeMPINRA) đã dỡ bỏ cuộc đình công kéo dài 3 ngày đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển ngũ cốc tại cảng Rosario. Với bối cảnh tình hình xã hồi bất ổn trong bối cảnh suy thoái kinh tế nghiêm trọng, được đánh dấu bằng sự suy yếu liên tục của đồng nội tệ trong bối cảnh lạm phát 3 chữ số, Argentina thường xảy ra đình công vào giai đoạn thu hoạch cao điểm hàng năm vì nông sản là nguồn ngoại tệ quan trọng cho quốc gia này. Việc xuất khẩu được nối lại sẽ tạo áp lực ngược lại tới giá so với đợt tăng giá đầu tuần vì thông tin đình công. Trước đó, mặc dù chính phủ Argentina đã áp dụng chính sách Đô la đậu tương để thúc đẩy khối lượng xuất khẩu nhưng nông dân vẫn đang hạn chế bán hàng vì nguồn cung thắt chặt. Đây có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà giảm của giá ở cùng 1450 – 1460 nhưng khả năng giúp giá đảo chiều và tăng trở lại sẽ thấp hơn.
Trong báo cáo Export Sales tối nay, thị trường đang kì vọng rằng bán hàng đậu tương của Mỹ tuần trước sẽ nằm dưới 500,000 tấn, thấp hơn so với cùng kì năm ngoái. Tuần trước đó, con số này cũng chỉ đạt mức hơn 350,000 tấn. Điều này phản ánh nền kinh tế hay ngành chăn nuôi của Trung Quốc vẫn chưa thực sự hồi phục và thúc đẩy nhập khẩu đậu tương từ Mỹ.

Arabica khả năng cao sẽ tiếp tục dao động quanh mức 200 cents trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/04, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Arabica suy yếu với mức giảm 1.43% sau khi giá chạm mức cao nhất trong 6 tháng do áp lực từ việc tỷ giá USD/Brazil Real tăng mạnh gần 2%. Trong khi đó, Robusta tiếp tục khởi sắc với mức tăng 0.29% khi xuất khẩu cà phê 15 ngày đầu tháng 4 tại Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ tháng trước.
Những lo ngại về vấn đề thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn vẫn luôn hiện hữu trên thị trường. Tình hình xuất khẩu ảm đạm tại Brazil kết hợp với tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE nối tiếp đà giảm về mức 700,048 bao loại 60kg, thấp nhất trong hơn 4 tháng, làm gia tăng những lo ngại hiện tại, từ đó tạo đà giúp giá có được sự hỗ trợ tốt.
Bên cạnh đấy, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, đợt không khí lạnh đầu tiên sẽ xuất hiện tại khu vực Đông Nam của Brazil ngay trong tuần này, khiến nhiệt độ giảm sâu, dấy lên lo ngại về sương giá, gây ảnh hưởng đến tình hình hiện tại của cây cà phê. Điều này rất có thể sẽ là nhân tố quan trọng tiếp theo hỗ trợ giá cà phê.

Giá đồng gặp áp lực khi kỳ vọng lãi suất tại Mỹ tăng lên
Đồng đã gặp áp lực giảm giá ngay sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) New York John Williams ám chỉ về việc FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kìềm chế lạm phát.
Điều này làm cho thị trường kỳ vọng lãi suất điều hành của FED sẽ được nâng lên sau cuộc họp vào tháng 5 tới.
Kỳ vọng lãi suất cao hơn ở Mỹ sẽ làm cho đồng USD mạnh lên so với các loại tiền khác trong rổ tiền tệ, được thể hiện qua việc chỉ số Dollar Index tăng điểm. Khi đó, các kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có đồng, trở nên đắt hơn đối và lực mua trên thị trường sẽ giảm, gây áp lực giảm giá.
Tuy nhiên, đà giảm giá của đồng có thể bị ngăn cản khi thị trường nhìn thấy những tín hiệu tiêu thụ lạc quan từ phía Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu đồng lớn nhất thế giới.
Lãi suất cơ bản cho vay (LPR) một năm của các ngân hàng thương mại (NHTM) được duy trì ở mức 3.65% trong tháng thứ tám liên tiếp, dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố ngày 20/04. Bên cạnh đó, LPR năm năm cũng được duy trì ở mức 4.3%.
Gần đây, PBOC đã bơm 20 tỷ Nhân dân tệ vào hệ thống NHTM thông qua cơ sở cho vay trung hạn (MLF). Đồng thời mức lãi suất cho vay của MLF cũng được giữ nguyên tháng thứ tám liên tiếp ở mức 2.75%. Vào tháng 3, PBOC cũng đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các NHTM, làm cho các NHTM có thể cho vay nhiều hơn.
Các biện pháp kích thích mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc cho thấy sự quyết tâm về việc đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2023.

Giá dầu có thể tiếp tục đà giảm khi triển vọng tiêu thụ kém sắc
Lực bán đang gia tăng trên thị trường dầu khi các thông tin lo ngại về nguồn cung đã được phản ánh vào đà tăng mạnh của giá trước đó, trong khi rủi ro suy thoái kinh tế có thể cản trở sức cầu. Dự báo giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sản xuất từ dầu thô đang có dấu hiệu suy yếu.
Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đo lường lợi nhuận lọc dầu bằng cách sử dụng một phép tính sơ bộ được gọi là "crack spread 3-2-1": Cứ 3 thùng dầu thô Tây Texas từ quá trình lọc dầu, sẽ tạo ra 2 thùng xăng và 1 thùng nhiên liệu chưng cất như dầu diesel và nhiên liệu máy bay.
Vào năm ngoái, khi nền kinh tế toàn cầu phải vật lộn để xử lý đủ dầu thô thành nhiên liệu, chênh lệch giá dầu WTI 3-2-1 đã tăng lên mức cao kỷ lục gần 65 USD/thùng, so với mức trung bình giai đoạn 2000-2020 là dưới 15 USD/thùng. Hiện tại, tiêu chuẩn lọc dầu của Mỹ mặc dù vẫn cao hơn mức trung bình dài hạn, nhưng đã giảm gần 50% xuống còn 32 USD/thùng. Điều này có thể là bằng chứng cho thấy nguồn cung đảm bảo tương đối so với nhu cầu, nên sẽ tạo sức ép tới giá dầu.
Thị trường xăng dầu ở châu Á cũng đang suy yếu nhanh chóng trong mùa cao điểm của khu vực. Lợi nhuận từ việc sản xuất xăng từ dầu thô - được gọi là crack spread - đã giảm hơn một nửa ở Singapore trong tháng qua xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12. Một số nhà máy lọc dầu ở châu Á đã xem xét cắt giảm hoạt động chế biến nhằm đảm bảo lợi nhuận sản xuất dầu diesel, cùng với sự suy yếu của xăng làm tăng thêm triển vọng giảm giá đối với dầu thô, ngay cả sau khi OPEC + cam kết bất ngờ cắt giảm sản lượng.
Tối nay, các dữ liệu sản xuất của Mỹ nếu tiếp tục tiêu cực, giá dầu vẫn sẽ đối diện với áp lực.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)