Trong báo cáo Crop Progress sáng nay của Bộ nông nghiệp Mỹ, tiến độ gieo trồng đậu tương đã đạt mức 35% tổng diện tích dự kiến, tăng gần gấp đôi so với tiến độ tuần trước đó. Con số này cũng cao hơn so với mức kỳ vọng của thị trường. Nhờ độ ẩm thích hợp, tiến độ năm nay cũng vượt lên hẳn so với mức trung bình 5 năm là 21%. Dự báo thời tiết sắp tới cũng sẽ thuận lợi và mùa vụ vẫn chưa phải trải qua hình thái thời tiết đáng nghiêm trọng nào nên triển vọng năng suất có thể sẽ khả quan và tạo áp lực tới giá đậu tương trong trung hạn.
Trong khi đó, xét về nguồn cung ngắn hạn, xuất khẩu đậu tương tháng 05 của Brazil có thể lên tới 15,3 triệu tấn, công ty hàng hải Cargonave dự báo, tăng hơn 3 triệu tấn so với ước tính tuần trước của công ty. Nếu được xác nhận, con số này sẽ tăng so với mức 14 triệu tấn đậu tương mà Cargonave ước tính Brazil đã xuất khẩu trong tháng 04, đồng thời cũng cao hơn mức 10 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Trong báo cáo tuần trước, Cargonave đã dự báo Brazil chỉ có thể xuất khẩu 12 triệu tấn đậu tương trong tháng 05, trong bối cảnh nước này dự kiến sẽ có một vụ đậu tương kỷ lục hơn 150 triệu tấn. Cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ sẽ hạn chế hoạt động xuất khẩu của Mỹ trong thời gian tới khi giai đoạn thu hoạch tiếp tục được đẩy nhanh. Không những thế, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 7,26 triệu tấn đậu tương trong tháng vừa rồi, thấp hơn nhiều so với mức 9 triệu tấn mà các thương nhân dự đoán. Thông tin này cũng góp phần củng cố đà giảm của giá đậu tương.

Nguồn cung dần được cải thiện, giá Arabica có thể hướng về 181 cents

Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/05, Arabica đảo chiều suy yếu do dữ liệu xuất khẩu khả quan hơn tại Brazil. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), 314.960 bao Arabica loại 60kg được đẩy đi trong 5 ngày đầu tháng 05, tăng gần 20% so với mức 255.550 bao trong cùng kỳ tháng trước.
Khi vụ thu hoạch Arabica niên vụ mới đang đến gần, thị trường dần được bổ sung bởi những thông tin cơ bản thiên hướng “bearish”.
Sau dữ liệu xuất khẩu khả quan trong 5 ngày đầu tháng 05, giá cà phê giao ngay tại Brazil trong tuần vừa qua đã về dưới mức 1.000 Real/ bao loại 60kg. Khi giá nội địa giảm mà giá giao dịch vẫn duy trì ở mức cao, thúc đẩy nông dân nước này đẩy mạnh nguồn cung hơn ra thị trường quốc tế cũng như vào các kho chứa của ICE, từ đó giảm bớt những lo ngại về nguồn cung ở mức thấp.
Tuy vậy, ở hiện tại, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn duy trì đà giảm dù đã về mức thấp nhất trong 5 tháng khi xuất khẩu trước đó của các nước cung ứng hàng đầu như Brazil và Colombia đều giảm mạnh. Đây sẽ tiếp tục là yếu tố hạn chế phần nào các tác động “bearish”. 

Giá đồng có thể chịu áp lực do nhập khẩu đồng giảm tại Trung Quốc

Giá đồng quay đầu suy yếu trong phiên sáng 09/05 do nhập khẩu đồng trong tháng 4 giảm tại Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 60% trong cơ cấu tiêu thụ đồng, cho thấy nhu cầu tiêu thụ còn hạn chế. Đây có thể là yếu tố gây sức ép tới giá đồng trong phiên hôm nay.
Theo dữ liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 407.297 tấn đồng và các sản phẩm đồng chưa gia công trong tháng 4, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn nữa, hoạt động xuất nhập khẩu của nước này trong tháng 4 đều mất đà so với tháng 3. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu trong tháng 4 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022, giảm mạnh sau khi ghi nhận mức tăng vọt 14,8% trong tháng 3, tuy nhiên vẫn cao hơn so với dự báo của giới phân tích ở mức tăng 8,0%.
Về phía nhập khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 giảm mạnh 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 1,4% của tháng 3 và mức giảm 5,0% mà giới phân tích dự báo.
Ngoài ra, dữ liệu khác cũng cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, một chỉ số hàng đầu về nhập khẩu của Trung Quốc, đã giảm mạnh 26,5% trong tháng 4, đánh dấu mức giảm tháng thứ 10 liên tiếp.
Sự sụt giảm mạnh trong dòng chảy thương mại của Trung Quốc có thể làm gia tăng lo ngại về tình trạng nhu cầu tiêu dùng suy yếu ở cả thị trường nội địa Trung Quốc và trên toàn cầu.
Do đó, đặt trong bối cảnh các nhà đầu tư còn chưa chắc chắn về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, sự mất đà trong hoạt động xuất nhập khẩu của nước này càng làm xấu đi triển vọng tiêu thụ các mặt hàng quan trọng trong hoạt động sản xuất trong đó có đồng. Điều này có thể khiến giá đồng suy yếu trong phiên hôm nay.

Giá dầu có thể giảm nhẹ khi nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu

Giá dầu WTI đang diễn biến tương đối giằng co mở cửa phiên ngày 09/05. Về mặt cung cầu, yếu tố hỗ trợ hiện tại của giá dầu đang là những lo ngại nguồn cung gián đoạn tại khu vực Alberta, tỉnh sản xuất dầu chính của Canada do cháy rừng.
Canada là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ tư thế giới và khoảng 80% lượng dầu của nước này đến từ Alberta. Đã có ít nhất 280.000 thùng dầu quy đổi mỗi ngày, hay hơn 3% sản lượng năng lượng toàn quốc gia đã bị cắt giảm. Tuy nhiên, đây chỉ là những gián đoạn mang tính tạm thời, phòng bị trước, và thiệt hại vẫn chưa có ghi nhận nào đáng kể. Do đó, sản xuất có thể sớm quay trở lại.
Trong khi đó, thương mại Trung Quốc phản ánh nhu cầu nôi địa còn yếu, làm dấy lên nghi ngại về động lực phục hồi. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu tháng 4 tăng trưởng chậm lại, trong khi nhập khẩu giảm mạnh 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán giảm 5%.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc cũng giảm xuống 10,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn 16,4% so với mức 12,32 triệu thùng/ngày trong tháng 3 và cũng thấp hơn 1,45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, được kỳ vọng sẽ là nhân tố hỗ trợ giá dầu trong năm nay sau khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế phục hồi chậm, và mức tiêu thụ nhiên liệu còn hạn chế nhiều khả năng sẽ khiến giá dầu gặp sức ép trong phiên hôm nay.
Tuy nhiên, đà giảm có thể chưa quá mạnh, khi nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước thềm công bố báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)