Báo cáo của ICO cũng chỉ ra rằng, xuất khẩu từ Mexico và các nước trong khối arabica chế biến ướt truyền thống của Trung Mỹ như Costa Rica, Guatemala, Honduras, Nicaragua và El Salvador đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hãng tin Reuters dẫn lời một chuyên gia trong lĩnh vực cà phê cho hay, có hai yếu tố có thể chấm dứt tình trạng tăng giá cà phê này. Một là Brazil và Việt Nam có được một niên vụ cà phê với sản lượng cao, mà điều này được dự báo là phải đến tháng 8/2026 mới thành hiện thực. Hai là, nhu cầu của các nước tiêu thụ cà phê phải giảm đủ mạnh do giá cao.
Dự kiến sản lượng cà phê arabica của Brazil sẽ giảm trong năm nay sau thời tiết nóng và khô vào năm 2024 đã góp phần thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Dẫn nguồn NLĐ, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), khuyến cáo nông dân không nên có tư tưởng đầu cơ vì rất rủi ro. Theo ông Minh, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận giá cà phê đang ở mức rất tốt, cao hơn trước đây tới 2-3 lần. Khi giá đã đạt đến mức kỳ vọng thì có thể bán ra theo nhu cầu chi tiêu, tái đầu tư và chăm sóc cho vụ mới.
Giá cà phê trong nước hôm nay giảm nhẹ xuống mức 129.000 – 130.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê trên hai sàn giao dịch đồng loạt sụt giảm. Giá arabica rời khỏi mức cao kỷ lục do giá liên tục tăng trong thời gian qua, khiến nhu cầu sụt giảm, trong bối cảnh nguồn cung được bổ sung.
Giá robusta LRCc2 trên sàn London, một loại cà phê thay thế rẻ hơn cho cà phê arabica, chủ yếu dùng để làm cà phê hoà tan, giảm 0,6% xuống mức 5.663 USD/tấn. Giá arabica KCc2 trên sàn New York, được coi là giá chuẩn toàn cầu, trượt khỏi mức cao kỷ lục với mức giảm mạnh 16,7 cent, tương đương 4% xuống ở 404,4 US cent/lb.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters