Cả thập niên... dọa chặt bỏ
Vụ khai thác mủ cao su năm 2021, nông dân tỉnh Quảng Trị vui vì giá mủ cao su tăng gần 50% so với những năm trước. Giá mủ cao su bắt đầu tăng khi mùa khai thác cao su vào vụ. Nếu giai đoạn 2012-2020 giá mủ cao su khô chỉ đạt từ 25-30 triệu đồng/tấn thì hiện nay vọt lên 43-45 triệu đồng/tấn. Giá mủ nước trước kia có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg giờ cũng đạt từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Chưa hết, theo nhiều tín hiệu thị trường, giá cao su sẽ còn tăng cao hoặc ít nhất cũng sẽ giữ giá trong một thời gian dài.
Những thông tin về giá cả mủ cao su tăng như là trận mưa rào làm bừng tỉnh vùng đất đai từng gặp nắng hạn. Với người dân trồng cao su tại Quảng Trị, hơn 10 năm trước, cao su từng được ví là “vàng trắng” vì giả ngất ngưởng. Nhưng rồi, suốt thập niên qua, giá cao su rớt giá không phanh…
Chị Nguyễn Thị Phương (xã Hải Thái, H.Gio Linh) cho biết 5 năm nay vì cao su rớt giá nên nguồn thu từ 1 ha cao su của gia đình chẳng bao nhiều, cạo mủ mãi mà vẫn không đủ vốn tái đầu tư. “Nhiều lúc gia đình tính chặt bỏ, vì sáng nào cũng đi cao mủ mà thu về chẳng bõ bèm gì, trong khi tốn bao nhiêu chi phí chăm sóc vườn và công sức. Nhưng giờ thì khác rồi. Với giá cao su như thế này, mỗi người trong nhà tôi mỗi tối đi ngủ đều mong trời sáng nhanh để tầm 3 giờ là đội đèn vào lô cao su”, chị Phương phấn khởi.
Hàng ngàn hộ nông dân trồng cao su ở Quảng Trị cũng đang khấp khởi mừng. Như ở địa bàn H.Cam Lộ có trên 4.000 ha cad su tiểu điền đang kỳ khai thác, tổng sản lượng mủ khoảng 3.500 tấn/năm. Nơi đây từng lâm cảnh tiêu điều khi giá cao su xuống, người dân tỉnh chặt bỏ chuyển đổi cây trồng, nhưng nay tất cả đã đổi khác. Ông Phạm Viết Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Cam Lộ, cho biết vụ cao su năm nay khai thác muộn hơn so với các năm (từ đầu tháng 5) nhưng khâu tiêu thụ thuận lợi hơn. “Bà con phấn khởi là rõ rồi, nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu phải khai thác cây một cách hợp lý và cần lập tổ hợp tác khai thác thu gom. Có tổ hợp tác sẽ hỗ trợ nhau trong việc liên kết mở rộng khai thác, thu gom, vận chuyển và bán tận nhà máy nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tránh bị từ thương ép giá”, ông Thanh nói.
'Vang trang' hoi sinh
'Vang trang' hoi sinh
Nông dân Quảng Trị phấn khởi khi giá mủ cao su tăng đột biến
 ẢNH: THANH LỘC
Quả ngọt
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu mủ cao su tăng cao trên thị trường thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp khai thác mủ cao su. Giá cao su tăng, đồng nghĩa với việc đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Quảng Trị có 9/10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện đảo Cồn Cỏ) trồng cây cao su với với diện tích khoảng 19.300 ha, trong đó cao su tiểu điền hơn 14.500 ha. Sản lượng bình quân hàng năm đạt 18.000-19.000 tấn mủ khô. Các nhà máy trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu thu mua và chế biến sản lượng cao su này.

Đã từ lâu, cây cao su được Quảng Trị xác định là 1 trong 6 cây chủ lực cạnh tranh. Đây được xem là cây đa mục tiêu về nông nghiệp, môi trường và hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, dù chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai thì địa phương vẫn tập trung hình thành được các vùng sản xuất quy mô lớn. Để phát triển cây cao su bền vững trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và biến động của thị trường giá cả, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch các vùng cao su và duy trì diện tích ổn định từ nay đến năm 2025 khoảng 20.000 - 21.000 ha. Bên cạnh đó, tái canh những vườn cao su già cỗi và trồng mới các vùng cao su có điều kiện thuận lợi; tái cơ cấu ngành cao su để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng bền vững, khuyến cáo nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên, việc giá cao su rớt giá thê thảm trong mấy năm qua đã làm cho không ít người hoài nghi về chủ trương này. Đến vụ khai thác 2021, khi “vàng trắng” thực sự hồi sinh, những hoài nghi kia mới bị dập tắt. Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi tỉnh Quảng Trị, việc ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mủ cao su, tuyên truyền để nông dân không tự phát chuyển đổi cao su sang cây trồng khác khi mủ cao su xuống thấp... là một trong những điểm nhấn giữa những thời điểm khó khăn. Ông Tâm cho rằng, thành quả hiện có chính là “quả ngọt” của sự kiên định.

Nguồn: Nguyễn Phúc/Thanh Niên