Xét về mặt cơ bản, mối quan tâm của thị trường trong giai đoạn này sẽ thiên về nguồn cung. Triển vọng ngô vụ 2 của Brazil và tiến độ gieo trồng ngô của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới xu hướng giá trong trung và dài hạn. Cụ thể, thời tiết ở Mỹ hiện đang khá ổn định với thời tiết khô ráo trong nửa đầu tuần giúp đẩy nhanh tiến độ trong khi một số cơn mưa lớn xuất hiện vào cuối tuần sẽ hỗ trợ cho cây trồng nảy mầm. Trong khi đó, tại Brazil, một đượt lạnh sớm ở miền Nam lại đang gây ra lo ngại đối với vụ ngô thứ 2. Cuối tuần trước, nhiệt độ đã giảm mạnh xuống mức đóng băng và các nhà khí tượng học ở quốc gia này cũng dự báo các đợt không khi lạnh sẽ đổ bộ vào miền nam từ cuối tháng 5, sớm hơn so với bình thường. Nếu trở thành sự thật, điều đó có thể ảnh hưởng tới ngô vụ 2 ở thời điểm dễ bị tổn thương nhất trong quá trình phát triển. Ngô vụ 2 trồng muộn ở miền nam Mato Grosso do Sul vào ngày 01/04, thường sẽ thụ phấn vào ngày 01/06. Do đó, bất cứ một đợt sương giá nào trước thời điểm cuối tháng 06 đều có tác động tiêu cực tới ngô vụ 2 - chiếm 75% tổng sản lượng ngô hàng năm của Brazil. Các thông tin trái chiều trên về mặt có bản có thể sẽ hạn chế đà giảm của giá ngô ở vùng giá tâm lí 600 trong vài phiên tới.

Giai đoạn thu hoạch Arabica vụ mới đến gần có thể gây sức ép khiến giá tiếp tục giảm
Kết thúc tuần vừa qua, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Giá Arabica rung lắc mạnh trước những thông tin trái chiều khi một mặt tiếp tục nhận hỗ trợ từ tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE giảm về mức thấp nhất trong 4 tháng, mặt khác lại chịu sức ép từ việc đẩy mạnh bán hàng niên vụ 2023/24 tại Brazil. Trong khi giá Robusta tăng tuần thứ 6 liên tiếp trước tình hình khan hiếm nguồn cung tại các quốc gia Châu Á.
Gần đây, một vài đơn vị phân tích đã có sự điều chỉnh trong dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 tại Brazil, khi vụ thu hoạch đang đến gần. Rabobank hạ dự báo sản lượng cà phê của Brazil từ 67.1 triệu bao trong báo cáo trước xuống 66 triệu bao, nhưng vẫn cao hơn 4.4% so với niên vụ trước. Dù vậy, mức sản lượng dự kiến vẫn cao hơn sản lượng 2 niên vụ trước và trước đó là sự điều chỉnh giảm nhẹ của IBGE . Đây vẫn là tín hiệu tích cực về nguồn cung, từ đó gây sức ép lên giá.
Cùng với đó, giá cà phê nội địa tại Brazil giảm về 1,100 Real/bao 60kg so với 1,280 Real/bao vào tháng trước. Sự chênh lệch giữa giá trong nước và giá quốc tế sẽ thúc đẩy nhu cầu đẩy hàng ra thị trường của nông dân. Đặc biệt tại thời điểm vụ thu hoạch mới sắp bắt đầu và nông dân cần kho chứa cho hạt mới. Đây cũng có thể là yếu tố gây áp lực lên giá.
Brazil đẩy mạnh xuất khẩu có thể củng cố lượng tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE, nhân tố đang tích cực hỗ trợ giá cà phê tăng trong thời gian gần đây do đã sự suy yếu liên tục và đang ở mức thấp nhất trong 4 tháng.

Giá đồng có thể dao động trong biên độ hẹp do vắng bóng chất xúc tác mạnh
Trong phiên sáng đầu tuần 24/04, giá đồng tăng nhẹ do lo ngại nguồn cung thu hẹp. Tuy nhiên, triển vọng tiêu thụ kém do rủi ro suy thoái kinh tế có thể tiếp tục gây sức ép tới giá đồng.
Về yếu tố cung cầu, công ty khai thác đồng lớn thứ tư thế giới, Glencore, mới đây đã công bố sản lượng đồng giảm trong quý I năm nay. Cụ thể, sản lượng đồng trong quý đầu tiên của họ đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 244,100 tấn. Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm trong sản lượng là do chất lượng quặng thấp hơn tại mỏ Collahuasi và thời tiết xấu tại mỏ Antamina làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
Hơn nữa, tồn kho đồng trên sở LME tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 06/07/2006, hiện chỉ còn vỏn vẹn 51,875 tấn. Do vậy, đứng trước rủi ro nguồn cung đồng toàn cầu thu hẹp, giá đồng có thể được hỗ trợ.
Tuy vậy, triển vọng tiêu thụ kém ở cả Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, và các nền kinh tế hàng đầu thế giới khác, có thể là yếu tố cản trở đà tăng của giá đồng. Bên cạnh đó, các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đều dự định tăng lãi suất vào đầu tháng 5.
Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, hiện có hơn 80% số ý kiến ủng hộ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Ngoài ra, ECB cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm vào ngày 04/05, thậm chí là tăng nửa điểm phần trăm. BOE cũng dự định sẽ tăng lãi suất lên 4.5% vào ngày 11/05. Theo đó, việc lãi suất tăng cao có thể tiếp tục kìm hãm tăng trưởng các nền kinh tế lớn và làm giảm triển vọng tiêu thụ đồng, nguyên liệu đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất.

Giá dầu có thể tiếp tục suy yếu khi lo ngại suy thoái lất át triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc
Giá dầu tiếp tục giảm trong sáng nay khi đồng USD hồi phục trở lại, cùng với tâm lý ngại rủi ro, phản ánh qua việc hợp đồng tương lai chỉ số S&P500 cũng giảm điểm.
Trong tâm của phiên sáng vẫn là các tin tức về triển vọng tiêu thụ tại khu vực châu Á. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh, khi nước này bước vào tuần nghỉ lễ đầu tháng 5.
Fenglei Shi, giám đốc thị trường dầu mỏ Trung Quốc tại S&P Global Commodity Insights, cho biết “Nhu cầu nhiên liệu máy bay nội địa của Trung Quốc gần như đã phục hồi hoàn toàn, trong khi nhu cầu nhiên liệu máy bay quốc tế đã phục hồi gần 70% so với mức trước đại dịch Covid-19. Do đó, có thể Tuần lễ sắp tới sẽ đánh dấu sự phục hồi gần như hoàn toàn đối với tổng mức tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc.”
Tuy nhiên, hiện thị trường dầu mỏ toàn cầu đã bị kẹt giữa luận điểm đầu tư bao gồm triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc, và rủi ro suy thoái. Vì thế, ngay cả khi nhu cầu của Trung Quốc được cải thiện, giá dầu vẫn khó có thể tăng mạnh.

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)