Tại Mỹ, hoạt động xuất khẩu ngô đang có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân đầu tiên đến từ áp lực cạnh tranh từ nguồn cung ở Nam Mỹ khi vụ ngô thứ 2 của Brazil được kỳ vọng sẽ đạt mức sản lượng kỷ lục. Thời tiết đang khá ủng hộ cho cây trồng phát triển và mang lại triển vọng khả quan cho mùa vụ ngô của nước này. Ngoài ra, nhu cầu suy yếu của Trung Quốc cũng góp phần khiến thương mại về ngô của Mỹ sụt giảm trong thời gian gần đây. Trái ngược với giai đoạn hoạt động mua hàng được đẩy mạnh trước đó, việc Trung Quốc liên tục huỷ hàng trong vài tuần qua lại khiến cho thị trường nghi ngờ về khả năng kinh tế và ngành chăn nuôi có thể hồi phục trở lại của nước này. Trong khi đó, mùa vụ ở Mỹ lại chưa có quá nhiều mối lo ngại khi tiến độ gieo trồng đang nhanh hơn so với mức trung bình. Những yếu tố trên đã khiến cho thị trường gia tăng kì vọng rằng tồn kho cuối niên vụ của Mỹ có thể sẽ khiến cho giá ngô tiếp tục duy trì đà suy yếu.
Ngược lại, bộ trưởng Năng lượng và Khai khoáng Brazil Alexandre Silveira cho biết nước này sẽ thành lập một nhóm để nghiên cứu việc nâng tỷ lệ pha trộn ethanol bắt buộc trong hỗn hợp nhiên liệu lên 30%. Brazil hiện áp đặt tỷ lệ pha trộn ethanol bắt buộc trong xăng là 27%. Trước tiên, chính phủ sẽ phải nâng trần hàm lượng ethanol cho phép trong xăng, hiện dao động từ 18% tới 27.5%. Mặc dù sản xuất ethanol không phải là nhu cầu tiêu thụ ngô chính tại Brazil nhưng đây có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà giảm của giá ngô trong ngắn hạn.

Giá cà phê khả năng cao tiếp tục chịu áp lực từ triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil
Kết thúc tuần giao dịch 24/04 – 30/04, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều do những tác động trái chiều về nguồn cung. Giá Arabica suy yếu gần 3% khi thị trường tiếp tục lạc quan về triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 tại Brazil. Trong khi đó, giá Robusta hợp đồng tháng 07 mang sắc xanh tại tuần thứ 6 liên tiếp khi lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn vẫn tồn tại.
Thông tin về nguồn cung trên thị trường đang dần chuyển hướng tích cực hơn. Cà phê Arabica niên vụ 2023/24 tại Brazil đang dần đến giai đoạn thu hoạch, đặc biệt, giới phân tích đang kỳ vọng sản lượng sẽ nới lỏng hơn 2 niên vụ trước. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nông dân bán cà phê niên vụ mới cũng như đẩy mạnh hàng tồn kho để có kho chứa phục vụ hoạt động lưu trữ, từ đó bù đắp những thiếu hụt về nguồn cung thời gian vừa qua và gây sức ép khiến giá giảm.
Tuy nhiên, tình hình tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn đang trong xu hướng giảm và chưa có tín hiệu bổ sung, khiến cho những lo ngại về nguồn cung vẫn tồn tại, phần nào hạn chế đà giảm của giá.

Giá đồng có thể giảm trước dấu hiệu chậm lại trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc

Giá đồng mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 với xu hướng giảm sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất Trung Quốc bất ngờ thu hẹp sau ba tháng mở rộng. Kết hợp với lo ngại suy thoái kinh tế ở phương Tây khiến triển vọng tiêu thụ càng trở nên kém sắc, trong khi nguồn cung ổn định, nhiều khả năng giá đồng sẽ giảm trong phiên hôm nay.
Trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Tư, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 10 kể từ tháng 3 năm ngoái. Áp lực từ việc lãi suất tăng cao có thể tiếp tục đẩy nền kinh tế Mỹ vào nguy cơ suy thoái và gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đồng.
Bên cạnh đó, triển vọng tiêu thụ đồng tiếp tục chịu sức ép khi lĩnh vực sản xuất, hoạt động chiếm 1/3 giá trị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất ngờ thu hẹp trong tháng 4. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất trong tháng 4 của Trung Quốc đã giảm xuống mức 49,2 từ mức 51,9 hồi tháng 3.
Ngoài ra, chỉ số đơn đặt hàng mới chỉ đạt 48,8, số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm xuống 47,6 từ 50,4 trong tháng 3, cho thấy nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Hơn nữa, các tin tức tích cực về nguồn cung có thể gây sức ép tới thị trường đồng trong bối cảnh nhu cầu không chắc chắn như hiện tại.
Ngân hàng JP Morgan cho rằng sản lượng khai thác đồng toàn cầu sẽ tăng 2,6% vào năm 2023, nhờ các dự án khai thác phục hồi tại Chile và Peru. Sự tăng trưởng trong sản lượng được thúc đẩy bởi hai dự án: Quebrada Blanca ở Chile và Quellaveco ở Peru, cùng một số dự án khác sắp đi vào hoạt động sau sự chậm trễ do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tập đoàn tài chính Macquarie cũng dự kiến nguồn cung khai thác đồng toàn cầu vào năm 2023 sẽ tăng 2,8% so với năm 2022, tương đương khoảng 600.000 tấn.

Giá dầu có thể giảm trở lại khi nền sản xuất tại Trung Quốc thu hẹp

Giá dầu đang gặp sức ép bán trong phiên sáng nay khi dữ liệu quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 4 bất ngờ xuống dưới ngưỡng 50, biểu thị cho sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy.
Cụ thể, PMI sản xuất trong tháng 4 của Trung Quốc đã giảm xuống mức 49,2 điểm từ mức 51,9 hồi tháng 3, thấp hơn dự đoán ở mức 51,3 điểm. Điều này một phần là do nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc tại nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng giảm khi nhiểu nền kinh tế trên thế giới gặp nhiều sức ép.
Xuất khẩu của Hàn Quốc, một thước đo sức khoẻ hoạt động thương mại quốc tế do quốc gia này xuất khẩu hàng loạt các mặt hàng quan trọng như chip, thiết bị hiển thị, hay dầu tinh chế, đã giảm 10,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng cho thấy nhu cầu toàn cầu còn khá yếu.
Trong bối cảnh thông tin về cung cầu không quá nhiều, giá dầu sẽ gặp áp lực nếu bức tranh kinh tế không mấy tích cực.
Bên cạnh đó, tâm lý các nhà đầu tư cũng sẽ thận trọng hơn trước thềm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm 3/5 tuần này. Gần như chắc chắn Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên ngưỡng 5 – 5,25%. Điều quan trọng sẽ là Fed liệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngay sau đó không. Các quan chức Fed đang cho thấy những quan điểm trái chiều về điều này.
Tuy nhiên, khảo sát đối với các chuyên gia kinh tế của Bloomberg cho thấy có tới 67% ý kiến cho rằng Mỹ sẽ đối mặt với suy thoái trong năm sau. Và kỳ vọng tiêu cực vẫn sẽ là một lực cản đối với thị trường dầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)