Cụ thể, xuất khẩu rượu châu Âu đang nối tiếp đà giảm suốt từ năm ngoái và chỉ nhờ thị trường châu Á nâng đỡ mà xuất khẩu được cứu vãn phần nào.
Một tờ báo Anh ra tuần trước viết, hãng Pernod Ricard chủ thương hiệu Whisky Chivas vừa cho biết doanh số giảm 2%. Dù giảm nhưng hãng vẫn đánh giá là "khởi đầu êm đềm cho năm mới" vì không giảm nhiều như năm trước.
Doanh số Whisky tại châu Mỹ Latin và vùng Caribbean đã giảm mạnh, tại Mỹ và Trung quốc cũng giảm. May mắn là còn có hiệu suất năng động tại phần còn lại của châu Á, tăng trưởng tại Ấn độ, thị trường châu Âu phục hồi và ngành du lịch thế giới tăng trưởng… bù đắp lại phần nào.
Tình hình còn khó khăn hơn đối với dòng Cognac của Pháp. Theo tờ Mercados, rượu mạnh mang lại cho nước Pháp gần 4,4 tỷ USD mỗi năm. 97% sản lượng Cognac được xuất khẩu, chỉ có 3% tiêu thụ trong thị trường nội địa Pháp.
Bài báo viết, ba tập đoàn Pháp thống trị thị trường Cognac, sở hữu các thương hiệu Hennessy, Cointreau, Rémy Martin và Pernod Ricard cho biết, doanh số rượu mạnh sụt giảm đáng kể do nhu cầu tại Mỹ lao dốc. Theo bài báo, thị trường rượu mạnh cao cấp dự kiến sẽ còn tiếp tục yếu ớt.
Về rượu vang, vang đỏ đang thất thế cả trên thị trường châu Âu lẫn trong xuất khẩu. Tờ Mặt trời 24h của Italy có bài "Vang trắng siêu sao, vang đỏ khủng hoảng". Trong bài có đoạn viết, xu hướng giảm tiêu thụ vang đỏ trên thị trường quốc tế đã trở nên tồi tệ hơn trong năm 2023 nhưng xu thế tiêu dùng lại "thuận lợi đối với rượu vang trắng và đặc biệt là với vang sủi bọt, thường được sử dụng để pha cocktail tại nhà". Bài báo viết về doanh số xuất khẩu rượu vang đỏ suy giảm nhưng lại chỉ lấy ví dụ từ Mỹ và Bắc Âu. Rượu vang vẫn bán tốt tại châu Á, đặc biệt là trên thị trường Ấn Độ và Hàn quốc.

Nguồn: vtv.vn