Giá đậu tương sau đợt biến động mạnh trong nửa cuối tháng 3 đã quay trở lại bình ổn và ở trong khoảng đi ngang trước đó 1480 – 1530. Tồn kho đậu tương tính đến ngày 01/03 chỉ đạt 1.69 tỷ giạ, thấp hơn nhiều so với mức 1.92 tỷ giạ trong cùng kì năm ngoái, và cũng là mức thấp thứ 2 cùng kì trong vòng 7 năm qua, trích dẫn từ báo cáo Grains Stock của USDA. Điều này cũng phản ánh nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đã tăng mạnh trong năm nay và mức tồn kho còn lại đang ở mức rất thấp. Đây cũng chính là cơ sở khiến cho thị trường kỳ vọng vào khả năng USDA sẽ tiếp tục hạ điều chỉnh dự báo tồn kho đậu tương cuối niên vụ 22/23 của Mỹ xuống dưới mức 200 triệu giạ. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá mặt hàng này trong ngắn hạn vẫn có thể duy trì trong khoảng đi ngang.
Ngược lại, nguồn cung đậu tương tại Brazil lại nới lỏng hơn nhờ kỳ vọng về mùa vụ kỷ lục đang trong giai đoạn thu hoạch cao điểm. Chỉ trong vài tuần vừa qua, các hãng tin và tổ chức lớn như Datagro hay StoneX đã liên tục nâng mức dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của nước này nhờ thời tiết cuối mùa vụ khá thuận lợi và ủng hộ cho hoạt động thu hoạch của nông dân. Đây cũng sẽ là yếu tố trái chiều và khiến giá đậu tương khó có thể vượt lên trên vùng 1530.
Thị trường đậu tương khả năng sẽ chỉ giằng co trong phiên hôm nay do ảnh hưởng từ triển vọng trái chiều giữa nguồn cung ở Mỹ và Brazil. Theo đánh giá của chúng tôi, giá sẽ biến động quanh vùng 1500 với biên độ 10 cents.

Bức tranh nguồn cung trở nên trái chiều sau ước tính của ICO, giá cà phê khả năng cao tiến vào thế giằng co
Kết thúc tuần giao dịch 03/04 – 09/04, hai mặt hàng cà phê đồng loạt bật tăng trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Arabica tăng mạnh gần 8% khi ICO ước tính thế giới tiếp tục tình trạng thâm hụt nguồn cung cà phê với 7.266 triệu bao trong niên vụ hiện tại. Cùng với đó, Robusta tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 tháng khi sản lượng giảm 2.1% so với niên vụ trước khi đạt 72.9 triệu bao so với 74.2 triệu bao tại niên vụ 2021/22.
Lũy kế xuất khẩu Arabica trong 6 ngày đầu tháng 4 của Brazil ở mức 323,868 bao loại 60kg, giảm 28% so với cùng kỳ tháng trước. Tuy vậy, khi đối chiếu số liệu xuất khẩu tháng 4/2022 so với tháng 3/2022 cũng ở mức giảm 21%, điều này là không quá ngạc nhiên nhưng vẫn có thể là yếu tố hỗ trợ giá khi tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE New York đang trên đà giảm dù đã ở mức thấp nhất so với cùng kỳ 5 năm gần nhất và chưa có sự bổ sung mới.
Sau ước tính cung – cầu cà phê của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), bức tranh nguồn cung trên thị trường trở nên mơ hồ. Một bên, triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil trong vụ thu hoạch vào tháng 7 tới giúp thị trường kỳ vọng nguồn cung sẽ trở nên dồi dào hơn, đặc biệt khi thời tiết gần đây đang chuyển hướng tích cực với lượng mưa ổn định, giúp thúc đẩy sự phát triển của cây trồng. Trong khi đó, việc ước tính thế giới tiếp tục thâm hụt hơn 7 triệu bao cà phê, khiến những niềm tin tích cực trước đó vơi bớt phần nào và tạo nên thế trái chiều về nguồn cung hiện tại.

Giá đồng có thể ít biến động trước thềm số liệu lạm phát CPI được công bố
Giá đồng giảm nhẹ trong sáng nay khi mà áp lực bán đang xuất hiện trên thị trường tài chính toàn cầu nói chung. Bất chấp triển vọng tiêu thụ trong ngành xe điện, giá đồng vẫn suy yếu.
Công ty xe điện Tesla, mới đây đã công bố kế hoạch mở nhà máy sản xuất pin tại Thượng Hải, phản ánh nhu cầu đối với những kim loại sản xuất pin như bạch kim, đồng, nhôm, niken,... sẽ tăng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ suy thoái, và mức lãi suất tại các quốc gia đều tăng, nhu cầu mua xe khó có thể tăng trưởng mạnh.
Về hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, Shanghai Metal News cho biết, các đơn đặt hàng dây và cáp đồng mới đã chậm lại vào tuần trước, khi mà các doanh nghiệp giảm sản xuất do nhu cầu trong quý II thường không cao. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm dây dẫn làm từ đồng.
Tình trạng tiêu thụ ảm đạm cũng khiến cho tỷ lệ hoạt động của các nhà sản xuất thanh đồng giảm 3.76 điểm cơ bản về 68.85%. Một số công ty cho biết đơn đặt hàng giảm đáng kể trong tuần, thậm chí, có nhà máy sản xuất phải tạm dừng sản xuất 3 ngày do đơn hàng khan hiếm.
Thị trường đồng nhiều khả năng sẽ giao dịch ảm đạm trong phiên hôm nay và sáng mai, khi mà các nhà đầu tư đang thận trọng trước thềm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc và Mỹ được công bố.

Giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực bán nhẹ trong bối cảnh lo ngại vĩ mô lấn át
Phiên cuối tuần trước thị trường nghỉ giao dịch do Ngày Lễ Thứ Sáu tốt lành (Good Friday), nhưng dữ liệu quan trọng bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ vẫn được công bố. Dữ liệu thị trường lao động sẽ là một trong những tham chiếu cho các quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai. Do đó, nhiều khả năng thị trường tài chính nói chung, và thị trường dầu sẽ có những phản ứng nhất định về dữ liệu trong phiên hôm nay.
Số người có việc ngoài ngành nông nghiệp giảm 90,000 so với tháng trước, xuống mức 236,000 trong tháng 3, lần đầu tiên thấp hơn dự báo trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên, con số này vẫn tương đối phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Tăng trưởng tiền lương theo giờ chậm lại ở mức 4.2% so với mức 4.3% trong tháng 2. Nhưng nếu so với giai đoạn trước đại dịch tại Mỹ, khi mức lạm phát ở khoảng 2%, tăng trưởng tiền lương rơi vào khoảng trên dưới 3%. Do đó, mức tăng trưởng hiện tại vẫn có thể khiến Fed tiếp tục có những động thái tăng lãi suất và hạ nhiệt lạm phát.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3.5%, cũng sẽ tạo thêm không gian cho chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed. Công cụ theo dõi lãi suất Fed watch của CME Group cho thấy có hơn 60% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong kỳ họp đầu tháng 5, tỷ lệ này tăng cao hơn con số 50% trước khi công bố dữ liệu. Kỳ vọng này có thể khiến thị trường dầu gặp áp lực bởi lo ngại nền kinh tế sẽ còn suy yếu và ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Theo Bloomberg, quỹ hoán đổi danh mục dầu WisdomTree’s Brent Crude Oil ETP đang cho thấy dòng tiền chảy ra trong ngày lớn nhất trong 3 năm, ở mức 55.7 triệu USD vào thứ Năm tuần trước. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bộ phận các nhà đầu tư vẫn quan ngại về nhu cầu bất chấp việc OPEC+ cắt giảm sản lượng.
Dòng chảy dầu từ Nga vẫn đang khiến thị trường hoài nghi. Bộ Năng lượng Nga cho biết nước này đã giảm sản lượng dầu khoảng 700.000 thùng/ngày vào tháng trước. Tuy nhiên, dữ liệu theo dõi các tàu chở dầu từ cảng của Nga vẫn cho thấy lượng dầu lớn vẫn đang được phân phối. Các chuyến hàng dầu thô từ các cảng của Nga đã đạt mức cao mới trong tuần cuối cùng của tháng 3 ở khoảng trung bình 3.4 triệu thùng/ngày, có thời điểm lên tới 4 triệu thùng/ngày, tức là cao hơn 45% so với mức trung bình 8 tuần trước thời điểm xung đột xảy ra.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)