Phát biểu tại “Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm hạt điều sang thị trường khu vực Đông và Tây Âu” chiều ngày 13/5, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) cho biết: năm 2021 được đánh giá là một năm thành công đối với xuất khẩu hạt điều của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 579.800 tấn, trị giá 3,64 tỷ USD, tăng 12,6% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với năm 2020.
Mục tiêu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với 2021.
EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2021 sang thị trường EU đạt 135 nghìn tấn, trị giá 816 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020.
Tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung toàn ngành. Thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
“Mức giảm này rất quan trọng vì trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam dao động từ 7 - 12%. Việc EVFTA đi vào thực thi được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn cho ngành điều”, bà Thuỷ nói.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại thông tin thêm: tại khu vực EU, hạt điều Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước Tây Âu và Đông Âu.
Tại khu vực Tây Âu, hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước: Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ… Trong đó, ngành điều đã khai thác tốt hai thị trường Hà Lan và Đức. Đức và Hà Lan hiện là những đầu mối thương mại quan trọng đối với hạt điều nhập khẩu để tái xuất.
Đối với khu vực Đông Âu, hạt điều Việt Nam có mặt tại nhiều nước: Nga, Ba Lan, Rumani, Ukraine… Thời gian qua, do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine nên xuất khẩu hạt điều của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Từ góc độ địa phương, bà Châu Thị Lệ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết: kim ngạch xuất khẩu nông sản của Long An khoảng 700-800 triệu USD/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hạt điều khoảng trên 100 triệu USD.
Long An có gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều. Các doanh nghiệp được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu yêu cầu cao về chất lượng hàng hoá. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, hạt điều Long An cũng đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, EU, một số thị trường Trung Đông…
“Long An mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước về thông tin thị trường, kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu với một số sản phẩm thế mạnh của Long An để giúp doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước ở EU”, bà Lệ nhấn mạnh.
Để thúc đẩy xuất khẩu hạt điều vào thị trường châu Âu thời gian tới, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đề xuất Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước EU phải cụ thể hoá hợp tác thông qua các FTA, điển hình là EVFTA, FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) tạo thuận lợi hoá thương mại tối đa cho các doanh nghiệp ngành điều thông qua cam kết của FTA.
“Thị phần hạt điều Việt Nam tại các nước châu Âu hiện từ 40-60%, đề nghị phải nâng lên từ 60-80% trong thời gian tới, đặc biệt là tại các thị trường chính như: Hà Lan, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha”, ông Giang nói.
Ông Giang cũng đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ thông tin về triển vọng, dự báo thị trường và xu hướng tiêu dùng tại thị trường châu Âu với sản phẩm hạt điều. Điều này cần sự tham gia hỗ trợ rất tích cực từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Nguồn: Haiquanonline