Dưới đây là 5 món ăn gắn liền với những vùng đất mà bất kỳ ai đi xa cũng luôn nhớ về.
Phở Hà Nội
Ngày nay, phở đã trở thành một danh từ riêng trong từ điển của nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Ảnh: Phong Vinh.
Hà Nội có nhiều hiệu phở gia truyền nổi tiếng như phở Lý Quốc Sư, phở Thìn ở phố Lò Đúc, phở Tư Lùn ở phố Hai Bà Trưng hay phở Bát Đàn. Trải qua thăng trầm thời gian, mỗi hàng vẫn cố gắng giữ gìn hương vị riêng, đậm đà truyền thống của bát phở thủ đô.
Theo những người sành ăn, phở bò chín mới đúng là phở Hà Nội. Linh hồn của phở bò là nước dùng, được chế biến rất kỳ công, ninh từ xương bò với các loại gia vị. Nhiều nơi còn giữ kín bí quyết pha chế nước dùng vì danh tiếng hiệu phở của mình. Thế mới thấy được mức độ quan trọng của nước dùng đối với sự thành công của món ăn.
Bún bò Huế
Bún bò - món ngon du khách không thể bỏ qua khi tới Huế. Ảnh: Phong Vinh.
Bạn rất dễ tìm thấy một quán bún bò Huế ở bất kỳ thành phố nào trên khắp Việt Nam nhưng ở mỗi nơi, hương vị của món ăn này lại mang một màu sắc riêng. Riêng tôi vẫn nhớ hoài vị ngọt thanh quyện với hơi cay nồng của ớt, mùi thơm của sả, và màu đỏ bắt mắt đặc trưng của tô bún ở Huế.
Được đánh giá là một trong những món ăn ngon nhất thế giới, bún bò Huế gồm: bún sợi, thịt bò, chân giò, chả quế,... Điều khiến món ăn gây ấn tượng với thực khách phải kể đến mùi vị của nước dùng. Đầu bếp phải thật khéo léo trong công đoạn nêm nếm để cho ra các vị không lẫn.
Bánh căn Đà Lạt
Bánh căn Đà Lạt ngoài loại trứng cút thường còn có loại nhân tôm thịt. Ảnh: Phong Vinh.
Bánh căn là một loại bánh du nhập vào Đà Lạt từ các vùng miền khác nhưng dần trở thành đặc trưng của ẩm thực xứ này. Món ăn được chế biến không quá cầu kỳ, được đổ khuôn bằng bột gạo, nhưng để lại ấn tượng với thực khách khi nhân bánh được biến tấu với nhiều vị đa dạng.
Bên chiếc lò đúc nóng ấm, chiếc bánh căn vừa chín tới màu vàng rói, dậy mùi thơm nức. Bạn gắp từng chiếc bánh vừa mềm bên trong vừa giòn bên ngoài rồi chấm ngập vào trong chén nước mắm mỡ hành, hành phi và thịt viên xíu mại để thưởng thức.
Cơm tấm Sài Gòn
Đĩa cơm tấm đặc trưng ở Sài Gòn. Ảnh: Phong Vinh.
"Sà bì chưởng" là cách nói vui khi nhắc đến món cơm tấm sườn bì chả, một món ăn đặc sản của người miền Nam nói chung hay của Sài Gòn nói riêng. Theo chân người dân từ chốn thôn quê lên thành thị, món này có trong hầu hết bữa ăn của giới bình dân, học sinh sinh viên, cả viên chức. Từ chỗ là món điểm tâm, cơm tấm nay được dùng nhiều trong các bữa ăn chính.
Dĩa cơm tấm đúng điệu phải được ăn với miếng sườn được nướng ngay tại chỗ, thêm miếng chả hấp dai dai và đặc biệt không thể thiếu chén nước mắm được pha theo công thức riêng. Bên cạnh những nguyên liệu thường thấy, món ăn muốn ngon phải có thêm chút mỡ hành, ít dưa leo, cà chua hay đồ chua được làm từ cà rốt, củ cải, dưa muối và đôi khi là đu đủ.
Không gì bằng khi được ngồi ở một hàng cơm vỉa hè trong thành phố, hít căng mùi thơm phức của miếng thịt đang được chủ quán nướng trên bếp than hồng rồi thưởng thức cái vị mộc mạc ấy. Hình ảnh dung dị này tuy quen mà rất đỗi Sài Gòn khiến bất kỳ ai từng sống ở đây cũng phải hoài niệm khi đi xa.
Bánh mì
Bánh mì vẫn phổ biến và được yêu thích bởi không chỉ người Việt mà cả du khách nước ngoài. Ảnh: Phong Vinh.
Du nhập vào Việt Nam vào đầu thế kỷ 19, bánh mì là món đơn giản nhưng phù hợp cho bất kỳ ai từ học sinh, sinh viên cho đến người lao động với giá phải chăng, lại nhanh gọn. Đặc biệt, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy món ăn ở mọi thời điểm trong ngày dù là sáng sớm hay tối mịt.
Nhắc đến bánh mì thì phải kể đến ổ bánh mì ở đất Sài thành. Từ ổ bánh mì Baguette của người Pháp ban đầu, món ăn đã trải qua nhiều quá trình cải biên để phù hợp với đặc trưng khẩu vị của người miền Nam. Ổ bánh mì thịt Sài Gòn ngắn hơn, tùy thuộc vào loại nhân kẹp bên trong mà có tên gọi khác nhau như: bánh mì ốp la, bánh mì xíu mại, bánh mì thịt,…
Ít người quên được cái vị pa tê đặc trưng được phết bên trong ổ bánh nóng giòn đầy ắp nhân thịt, có thêm chút cải chua, dưa leo. Tất cả được rưới lên thứ nước sốt sền sệt, mặn mà khó cưỡng.
Nguồn: Vnexpress.net