“Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho ngành mỹ phẩm với tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm trở lại đây. Là nhà tổ chức triển lãm lớn trong ngành, chúng tôi không thể bỏ qua cơ hội lớn tại thị trường này”, ông Mattia Miglio, quản lý quốc tế của Cosmoprof Italy lý giải nguyên nhân chọn thị trường Việt Nam làm địa điểm quảng bá cho hội chợ mỹ phẩm uy tín hàng đầu thế giới sắp được tổ chức tại Hồng Kong, Las Vegas (Mỹ) và Bologna (Ý) như vậy.

Mảnh đất màu mỡ

Với doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng không dưới 20%/năm, thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là hết sức tiềm năng trong mắt các đối thủ ngoại, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, khiến cho mức thuế nhập khẩu loại hàng hóa này được kéo xuống mức 0-5%.

Bên cạnh đó, theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, năm 2014, mức chi tiêu của người Việt Nam cho loại hàng hóa này chưa nhiều, mới khoảng 4 USD/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với trung bình 20 USD/người/năm tại thị trường Thái Lan. Thị trường rộng mở với tiềm năng còn rất lớn được coi là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành.

Một nghiên cứu khác của hãng nghiên cứu thị trường Asia Plus được công bố vào tháng 9/2016 cho thấy, có đến gần 30% người tham gia cuộc khảo sát có trang điểm mỗi ngày và khoảng 23% số người được khảo sát trang điểm vào những dịp đặc biệt. Đặc biệt những người trên 30 tuổi có xu hướng trang điểm thường xuyên hơn. Điều này đã tạo ra một nhu cầu lớn và đa dạng về các loại mỹ phẩm.

Cũng theo nghiên cứu của hãng này, dòng sản phẩm đang được nhiều người sở hữu và sử dụng nhất là son môi với 89% người sở hữu và 79% người sử dụng thường xuyên. Đứng thứ 2 phải kể đến các sản phẩm phấn và kem nền khi có tới 63% người sở hữu và 29% người sử dụng thường xuyên. Tiếp theo là phấn má hồng với các con số tương ứng là 62% và 32%. Trong khi đó lông mi giả là sản phẩm hiếm được sử dụng nhất với chỉ 16% sở hữu và 5% sử dụng đều đặn.

Mức chi tiêu của người Việt cho làm đẹp không phải là con số nhỏ, khi có tới 44% người trả lời khảo sát chi tiêu khoảng 200.000 đồng cho mỹ phẩm hàng tháng. Trong khi 80% phụ nữ dưới 29 tuổi thường chi tiêu dưới 300.000 đồng cho mỹ phẩm mỗi tháng thì có tới 40% phụ nữ trên 30 tuổi chi nhiều hơn con số này, theo Asia Plus.

Ông Baek Sung In, Giám đốc kinh doanh trang thương mại điện tử Yes24.vn cho biết, trong các mặt hàng được bán trên Yes24.vn thì mỹ phẩm là danh mục hàng hóa bán chạy nhất, trong đó các sản phẩm chăm sóc da chiếm tỷ trọng 60% trong ngành hàng mỹ phẩm tại Yes24. Cũng theo ông Baek, mỹ phẩm hiện đang chiếm khoảng 40% tổng doanh số của công ty.

“Danh mục mỹ phẩm bán trên Yes24 trong vài năm trở lại đây liên tục tăng trưởng. Cụ thể năm 2016, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm đã tăng 30% so với năm 2015”, ông Baek cho hay.

Thời gian tới sẽ có thêm nhiều thương hiệu ngoại xâm nhập vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là các thương hiệu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc

 

…nhưng doanh nghiệp Việt khó mơ!

Dù có tiềm năng, nhưng do yếu thế về công nghệ, tài chính cũng như công tác quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt gần như đang nhường lại sân chơi này cho đối thủ ngoại. Một người kinh doanh trong ngành bình luận, có không dưới 95% thị phần mỹ phẩm Việt đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt phải kể đến các thương hiệu của Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.

Doanh thu thị trường mỹ phẩm Việt Nam vào khoảng 15.000 tỷ đồng/năm

Trong khi đó, bà Đào Vân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dược Mỹ phẩm Đào Tiến, đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm châu Âu cho biết, thị trường này đã liên tục tăng trưởng không dưới 30% trong suốt nhiều năm qua với sự tham dự của ngày càng nhiều nhãn hàng trên thế giới.

“Đáng tiếc là các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt không dễ dàng chen chân vào cuộc chơi này, do định vị sản phẩm chủ yếu ở dòng thấp cấp và bán chủ yếu ở thị trường nông thôn. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt thiếu đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới để có thể đi đường dài”, bà Vân Anh bình luận.

Bà Hải Yến, Trưởng bộ phận Beauty của Công ty Mỹ phẩm LG Vina, đơn vị phân phối độc quyền mỹ phẩm Ohui và Whoo cho biết, trong suốt nhiều năm, mỹ phẩm Ohui liên tục tăng trưởng nhưng giai đoạn cuối 2015 đầu 2016, thị phần của hãng có chút giảm sút. “Rất nhiều nhãn hàng thâm nhập thị trường cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới lượng khách hàng của Ohui”, bà Hải Yến cho hay.

Ông Trịnh Rồng, nhà phân phối mỹ phẩm châu Âu có thâm niên 14 năm trên thị trường cho biết, thời gian gần đây doanh nghiệp của ông bị cạnh tranh khá mạnh bởi việc đổ bộ ngày càng nhiều của mỹ phẩm đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc có nhiều thương hiệu nhảy vào đã đẩy cuộc cạnh tranh trên thị trường này thêm phần khốc liệt và là nguyên nhân dẫn đến thị phần của các hãng bị chia sẻ nhiều, dù vẫn giữ được đà tăng trưởng 2 con số.

Bà Nguyễn Phương Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Hoàng Cung, đơn vị sở hữu thương hiệu Phấn Nụ Hoàng Cung, cho hay, mỗi tháng doanh nghiệp bà tiếp khoảng 2-3 đoàn đối tác mỹ phẩm đến từ Nhật Bản. Điều này cho thấy các doanh nghiệp mỹ phẩm Nhật đang hết sức quan tâm mở rộng thị trường Việt Nam. “So với mỹ phẩm châu Âu hay các vùng khác trên thế giới, mỹ phẩm của Nhật và Hàn đạt được độ tương đồng khá lớn về thời tiết cũng như da dẻ của phụ nữ 2 nước này cũng khá giống Việt Nam. Điều này dẫn đến việc sử dụng mỹ phẩm Nhật, Hàn dễ đem lại hiệu quả hơn. Đó là chưa kể chất lượng của Nhật Bản cùng với xu hướng thời thượng của mỹ phẩm Hàn Quốc luôn được người tiêu dùng Việt đón nhận nhiệt tình”, bà Khanh bình luận.

Theo khảo sát của Asia Plus, nguồn gốc sản phẩm là yếu tố tác động hàng đầu đến việc lựa chọn mỹ phẩm của người tiêu dùng, sau đó đến giá cả và thương hiệu. Điều này phần nào lý giải vì sao các thương hiệu mỹ phẩm của Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng được ưa chuộng hơn.

Nguồn: Lê Dung/Báo diễn đàn doanh nghiệp điện tử