Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau 5 năm thực thi đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác khá tốt hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là hàng hóa từ Việt Nam sang các nước khu vực châu Á thuộc khối CPTPP cũng như các thị trường chưa có thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với Việt Nam cũng gia tăng đáng kể.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 14/1/2019 và là hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên được thực thi.
Theo đánh giá, hiệp định CPTPP đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ. Không chỉ với các nước chưa có các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hay đa phương như Canada, Mexico, Peru mà các thị trường vốn được coi là “khó tính” như Nhật Bản, Australia, New Zealand cũng có sự tăng trưởng đáng kể.
Bộ Công Thương cho biết Malaysia, Chile và Brunei đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Malaysia vào tháng 11/2022, Chile vào tháng 2/2023 và Brunei tháng 7/2023.
Rõ nét nhất, năm 2023, dù kinh tế thế giới còn rất nhiều nhiều khó khăn song thương mại với khu vực thị trường này vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu ở mức cao, với kim ngạch khoảng 100 tỷ USD và đây luôn là thị trường Việt Nam có xuất siêu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá, với CPTPP, có 7 trong số 10 quốc gia là những đối tác mà Việt Nam đã có ít nhất là một hiệp định Thương mại Tự do (FTA) chung, nếu không nói là rất nhiều (ví dụ như Singapore chẳng hạn). Tuy nhiên, CPTPP lại là Hiệp định thương mại đầu tiên mà Việt Nam có sự “tấn công tổng lực” vào thị trường châu Mỹ.
“Trước đó, Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại Tự do với Chile như là một hiệp định truyền thống và quy mô nhỏ, nhưng với CPTPP thì lần đầu tiên Việt Nam cùng lúc tiếp cận thị trường của Nam Mỹ là Peru và Chile cùng với hai thị trường Bắc Mỹ là Canada và Mexico. chính những điều này tạo ra cơ hội rất là lớn cho Việt Nam để tiếp cận một thị trường rất mới, rất nhiều tiềm năng,” bà Trang nói.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đối với khu vực của CPTPP, con số tăng trưởng trong thời gian vừa qua hết sức ấn tượng.
Theo đó, khu vực CPTPP đặc biệt là những nước khu vực châu Mỹ như thị trường Canada, Mehico, Peru là những thị trường tương đối mới và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian trước đây còn khiêm tốn, nhưng sau khi có Hiệp định CPTPP thì xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường này cũng gia tăng đáng kể.
“Điều này phản ánh việc các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã dần dần nắm bắt và có thể tận dụng tốt cơ hội để từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà cụ thể ở đây là Hiệp định CPTPP,” ông Trần Thanh Hải nêu ví dụ.
Phát huy lợi thế, thúc đẩy xuất khẩu
Khi tham gia hiệp định CPTPP, tất cả các thành viên đều cam kết xóa bỏ gần như toàn bộ biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. Theo đó, đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm (trong một số trường hợp, lộ trình có thể dài hơn, từ trên 10 năm đến 20 năm).
Đối với Việt Nam, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam - tùy theo cam kết của từng nước. Việt Nam cũng xóa bỏ tới 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5-10 năm.
Theo các chuyên gia, CPTPP đã tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tiếp cận thị trường mới, nhưng các doanh nghiệp cần phải tăng tốc hơn nữa để chớp thời cơ trước khi các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP mở cửa hội nhập rộng hơn.
Ở một góc độ khác, Tiến sỹ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam sang thị trường CPTPP còn thấp. Nhiều mặt hàng mặc dù thị trường đang có nhu cầu lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết và mức độ thâm nhập chưa nhiều…
Trong khi đó, rào cản để doanh nghiệp tận dụng được các lợi thế của Hiệp định là khác nhau. Các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện, trong đó quan trọng vẫn là phải đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ... Đây cũng là trở ngại của một số doanh nghiệp trong nước.
Mặt khác, hiểu biết của doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa khác nhau, có thể chưa đầy đủ, bởi thực tế bản thân xuất xứ hàng hóa đó trong CPTPP có rất nhiều những quy định liên quan.
“Đối với từng hình thức đó các doanh nghiệp phải có quá trình về tổ chức sản xuất, mua nguyên vật liệu đầu vào như thế nào, quá trình canh tác, quá trình đánh bắt… cả một quá trình tổ chức sản xuất như vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải tập hợp đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc, vì vậy đây cũng là một cái rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay...,” Tiến sỹ Lê Duy Bình nêu ví dụ.
Tính đến cuối năm 2022, CPTPP đã có hiệu lực đối với hầu hết các thành viên đã tham gia. Cùng với đó, Vương Quốc Anh cũng đã chính thức trở thành thành viên mới của CPTPP từ tháng 7/2023. Nhiều nền kinh tế khác cũng đã tiếp cận và ngỏ ý muốn tham gia Hiệp định này.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết hiệp định CPTPP đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác khác và nhiều đối tác khác cũng có thư bày tỏ mong muốn được tham gia CPTPP, trong đó có rất nhiều nền kinh tế trong khu vực như: Trung Quốc và thậm chí một số nước ASEAN cũng đã có các tiếp xúc với CPTPP để bày tỏ sự quan tâm, như Philippines, Thái Lan…
“Rõ ràng với những mối quan tâm này, Hiệp định CPTPP sẽ là hiệp định có vị thế lớn hơn nhiều so với khi Việt Nam ký kết và phê chuẩn tham gia,” ông Lương Hoàng Thái nói.
Theo các chuyên gia, việc hiệp định CPTPP có thêm nhiều thành viên sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại và đầu tư của các thành viên. Nhưng ở chiều ngược lại, chắc chắn mức độ cạnh tranh với các đối tác cũng sẽ lớn hơn, đòi hỏi cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cần chú trọng gia tăng giá trị cho sản phẩm thông qua cải tiến chất lượng, phù hợp tiêu chí, thị hiếu và các yêu cầu của thị trường; đặc biệt là hướng tới các sản phẩm Xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường… bởi đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao./.

Nguồn: Đức Duy (Vietnam+)