Xung quanh vấn đề này, các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ quan điểm về ý nghĩa của Hiệp định VIFTA và cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu cũng như tiếp cận mặt hàng công nghệ cao từ Israel.

* Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Bước đi chiến lược

VIFTA có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi đây là quốc gia có trình độ công nghệ rất phát triển bao gồm: công nghệ sản xuất, chế biến công nghiệp; công nghệ mới; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ nông sản xuất nông nghiệp… Hơn nữa, đây cũng là quốc gia đang cần rất nhiều sản phẩm làm nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh, lương thực phẩm, thực phẩm.
Trong khi đó Việt Nam là nước sản xuất chính các sản phẩm nông nghiệp. Vì vâỵ, việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel.
Đồng thời, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ sung cho nhau nên VIFTA là một bước đi chiến lược của hai quốc gia, hứa hẹn thúc đẩy thương mại song phương và thắt chặt quan hệ kinh tế.
Đặc biệt, VIFTA còn cung cấp cho doanh nghiệp khả năng tiếp cận tốt hơn thị trường của nhau và tạo ra lợi ích đôi bên cùng có lợi; trong đó, VIFTA hứa hẹn mang lại nhiều chuyển biến cho cả ngành sản xuất cũng như kinh doanh của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc ký kết mới chỉ là bước đầu để tận dụng tối đa cơ hội, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định VIFTA một cách sâu rộng để hiệp hội, ngành nghề, địa phương có thể xem xét về lợi thế, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan… từ FTA mang lại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể nhìn thấy cơ hội liên kết, xuất khẩu sang thị trường Israel. Bởi lẽ,mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo của Israel rất cao nhưng đang bị giới hạn bởi đặc tính riêng của một quốc gia sa mạc nên cần nhiều sản phẩm nhiệt đới; trong đó, có Việt Nam.
Vì thế, doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu và xem xét khả năng hợp tác và tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh để có những lộ trình cụ thể. Trên cơ sở đó, phát huy được ưu điểm, tận dụng lợi thế và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu còn nhiều khó khăn.
Thực tế, việc tận dụng ưu đãi từ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất ít, chỉ khoảng 30%. Do đó, Bộ Công Thương cùng với vai trò của Thương vụ cần phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp… đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, xuất khẩu và tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA nói chung và Hiệp định VIFTA nói riêng.

* Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Triển vọng cho xuất khẩu

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để Việt Nam có thể đàm phán, ký kết các FTA với rất nhiều đối tác mới; trong đó, FTA với Israel là mới nhất. Đây là tín hiệu đáng mừng và là sự cố gắng lớn của Bộ Công Thương và của toàn ngành thương mại Việt Nam.
Israel là thị trường không đông dân nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng rất lớn, khoảng 25 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn bởi nhiều mặt hàng Israel có nhu cầu mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy hải sản… Ngược lại, Israel có thế mạnh về công nghệ cao sẽ là điều kiện để Việt Nam bổ sung năng lực sản xuất trong nước.
Hiện tại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Israel chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD và Việt Nam đang nhập siêu. Vì vậy, Hiệp định VIFTA là cơ hội để gia tăng kim ngạch thương mại và cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại ngày càng được mở rộng, rủi ro trong giao thương là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phải hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp tìm kiếm đối tác có uy tín nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro.
Israel là nước có công nghệ cao nên càng phải phối hợp tốt hơn ở bước đầu tiên là ứng dụng công nghệ cao vào giao thương hàng hóa, để theo dõi đường đi của hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, ký kết hợp đồng chặt chẽ, có nguyên tắc trên cơ sở pháp luật, trên cơ sở hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Hơn nữa, xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng qua đã giảm 12%, do đó mở thêm thị trường ngách, thị trường mới là rất quan trọng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp ký kết được hợp đồng và triển khai thực hiện nhanh sẽ đem lại triển vọng xuất nhập khẩu rất lớn cho thời điểm quý IV và những năm tiếp theo.

* Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Nâng cao khả năng thích ứng

VIFTA được đàm phán trong 7 năm, qua 12 lần trao đổi và đã kết thúc đàm phán vào đầu tháng 4 năm nay. Đáng chú ý, việc ký kết VIFTA diễn ra chỉ 3 tháng sau khi tuyên bố kết thúc đàm phán đã thể hiện rõ vai trò tích cực của Bộ Công Thương.
Israel và Việt Nam đã có quan hệ thương mại từ năm 1994. Qua quá trình đó mối quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Việc Việt Nam đã tiếp tục ký kết VIFTA càng làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.
Thông tin cho thấy, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Israel đang đứng thứ 5, về xuất nhập khẩu đứng thứ 3, sau Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ nên việc Bộ Công Thương chủ động để ký kết VIFTA là rất đáng ghi nhận. Đây cũng là nỗ lực của Bộ Công Thương, nhằm tạo cơ hội, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Thế nhưng, mỗi FTA luôn đi kèm giữa cơ hội và thách thức. Với VIFTA cũng phải xem xét tiềm năng của Israel như thế nào để nhận biết cơ hội. Israel là một đất nước nhỏ nhưng lại có một nền kinh tế và hoạt động ngoại thương rất mạnh, thu nhập bình quân đầu người lại rất cao, vào khoảng 55 nghìn USD/năm. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại của Israel bình quân hàng năm khoảng trên 173 tỷ USD; trong đó, nhập siêu là chủ yếu.
Mặt khác, Israel là đất nước diện tích có đến 70% là sa mạc nên nguồn tài nguyên rất khan hiếm. Cũng chính vì điều kiện thiên nhiên của Israel rất khó khăn nên hoạt động thương mại chủ yếu là nhập khẩu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.
Theo số liệu được công bố, hàng năm, Israel có kim ngạch nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD đối với mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó, ngành hàng này lại là một trong những thế mạnh của Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần tạo ra những điều kiện để có thể tận dụng thế mạnh tri thức hay những kỹ thuật công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu. Đây có thể coi là cơ hội vừa xuất khẩu và vừa nhập khẩu.
Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đang có xu hướng tăng dần. Nếu như năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu là gần 2 tỷ USD nhưng đến năm 2021 tăng lên 2,3 tỷ USD và năm 2022 đã lên đến 2,6 tỷ USD và xu hướng trong năm nay sẽ tăng nữa.
Cùng đó, cơ hội lớn cho Việt Nam không chỉ về hoạt động thương mại và cả hoạt động đầu tư. Israel nhập siêu nhiều hơn là Việt Nam xuất siêu. Trong khi đó, lợi thế của FTA là thuế quan giảm theo từng giai đoạn nên có lợi thế rất lớn về hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện tại, có khoảng 70 mặt hàng mà Việt Nam có thể xuất khẩu được sang Israel. Đây là lợi thế, cơ hội rất lớn.
Bên cạnh những cơ hội, hội nhập chính là sự cạnh tranh trong bối cảnh năng lực của Việt Nam còn hạn chế, Vì vậy, phải tìm những mặt hàng có lợi thế để tiếp cận và xuất khẩu.
VIFTA là cơ hội rất lớn, mở ra "cánh cửa" cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp Việt biết tận dụng thế mạnh sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trong hoạt động kinh tế quốc tế.
Mỗi một FTA sẽ đem lại những cơ hội và thách thức khác nhau và với VIFTA, thách thức ở đây là về năng lực cạnh tranh. Trong quá trình đàm phán, ký kết, Bộ Công Thương là đơn vị thay mặt cơ quan Nhà nước tìm ra được những thế mạnh, lợi thế của Việt Nam để ký kết; trong đó, có những điều thực hiện ngay và những điều thực hiện theo lộ trình.
Do vậy, để tận dụng VIFTA hiệu quả, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, rào cản thương mại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong xúc tiến thương mại, nghiên cứu kỹ thị trường để gia tăng xuất khẩu.
Ngoài ra, Israel là đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, điều kiện tốt nên doanh nghiệp Việt không chuyên nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu sẽ khó trong có thể tiếp cận thị trường. Đặc biệt, khi xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam sang Israel doanh nghiệp phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Uyên Hương (TTXVN

Nguồn: Uyên Hương (TTXVN)