Khảo sát vào tháng 8/2022 của báo VietnamPlus cho thấy, 70% độc giả cho rằng giảm tác hại thuốc lá là quan trọng và có nhu cầu chuyển đổi qua các sản phẩm thay thế có khả năng giảm tác hại so với thuốc lá điếu nếu điều đó tốt cho bản thân và cộng đồng.
Tại Việt Nam, toàn bộ tiêu chuẩn về thuốc lá hiện hành đều mới chỉ được áp dụng cho sản phẩm thuốc lá truyền thống. Đối với các mặt hàng thuốc lá thế hệ mới hiện vẫn đang chưa được phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để nhập khẩu nên chủ yếu là nhập lậu và được bán tràn lan, trôi nổi trên mạng, các cửa hàng nhỏ lẻ.
Thực tế này đã và đang gây thất thu một nguồn thuế khá lớn cho Nhà nước, đồng thời còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng… Điều đáng nói, vì chưa có khung pháp lý cho mặt hàng này nên cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm.
Trong khi đó, hút thuốc lá điện tử hiện đang gia tăng trong giới trẻ, người chưa hút và kể cả người đang hút thuốc lá thông thường cũng có xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử. Đây là loại hình thuốc lá mới, tác hại không hề thấp hơn thuốc lá thông thường, thậm chí có những tác hại cấp tính gặp phải ngay sau khi hút lần đầu. Bộ Y tế đề xuất cấm sử dụng dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này.
Nhiều người cũng cho rằng, không nên ngay lập tức luật hóa tại thời điểm này mà bỏ qua giai đoạn thí điểm cần thiết để có những đánh giá tác động đầy đủ. Bởi lẽ, thuốc lá thế hệ mới là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam. Việc cho phép sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam có thể ảnh hưởng việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và không phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành.
Năm 2021, tại diễn đàn “Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới” đã diễn ra với sự tham gia của 50 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp, kinh tế, y tế… bàn về tác hại cũng như cần sự quản lý, kiểm soát sản phẩm này. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng đã đến lúc cho phép nhập khẩu sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ..
Quan sát cho thấy chìa khóa thành công của chính phủ các quốc gia như Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Na Uy, Nhật Bản… khi tiến hành xây dựng khung pháp lý và cấp phép thương mại hóa thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đa ngành, chấp nhận quan điểm đối lập nhưng thống nhất giải pháp, phối hợp với nhau từng bước hoàn thiện năng lực quản lý. Nhờ vậy các quốc gia này đã đạt những thành công nhất định với chiến lược giảm tác hại, từ việc giảm mức tiêu thụ thuốc lá nói chung đến chỉ số sức khỏe của người dân liên quan đến các bệnh do thuốc lá gây ra trong hơn một thập kỷ qua.
Tại Nhật Bản, các sản phẩm TLTHM được quản lý bởi Bộ Tài chính, và phối hợp với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thiết lập các quy định chi tiết về tiêu chuẩn sản phẩm.
Tại Philippines, Bộ Thương mại và Công nghiệp được trao thẩm quyền quản lý các sản phẩm TLTHM cùng các thiết bị đi kèm. Bộ Y tế ra quy định hướng dẫn về việc thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức hạn chế hút thuốc và sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT).
Ở Việt Nam, nhiều chuyên gia đánh giá vấn đề quản lý TLTHM là cấp bách, đã đến lúc cần sửa đổi và bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP để tạo đà cho việc luật hóa TLTHM, theo sát tiến độ tháo gỡ vướng mắc pháp lý theo nghị trình của Chính phủ giải quyết trong năm 2022.