Mỗi năm thế giới có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều người nhiễm bệnh về đường hô hấp do hít phải khói thuốc. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng nghiện chất Nicotine chỉ sau khi hút vài điếu thuốc và trở thành người nghiện thuốc lá khi bước vào tuổi trưởng thành. Rất nhiều người trong số họ sẽ phải gánh chịu những căn bệnh do thuốc lá gây ra, theo điều tra về thực trạng sử dụng thuốc lá trong học sinh Việt Nam có thể thấy chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh ở mức báo động, tăng hơn 2 lần (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023) không chỉ vậy còn có 17,6% ở nam và 5,5% ở nữ dưới 10 tuổi đã từng thử hút thuốc.
Mặc dù Việt Nam có quy định cấm bán thuốc cho trẻ em dưới 18 tuổi, nhưng hầu hết các học sinh được hỏi đều trả lời không bị từ chối vì chưa đến tuổi mua thuốc. Hơn 50% học sinh hút thuốc đều nói các em mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ. Thuốc lá tại Việt Nam được bày bán lẻ ở khắp mọi nơi như trên phố, hàng rong, tại các quầy hàng tạp hóa, hàng nước… Điều này làm cho việc mua thuốc trở nên quá dễ dàng, làm tăng khả năng sử dụng thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên.
Để ngăn ngừa tình trạng thanh, thiếu niên hút thuốc, nhất thiết chúng ta phải thực hiện các khu vực công cộng không hút thuốc lá, nhất là tại trường học. Tăng cường giám sát thực hiện quy định không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Tiến hành các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá dựa vào thanh niên (thông qua các tổ chức thanh thiếu niên, hội học sinh sinh viên, Đoàn Thanh niên) nhằm nâng cao nhận thức trong thanh thiếu niên về tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, cần tăng giá thuốc thông qua biện pháp tăng thuế và đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong thanh niên về tác hại của thuốc lá.
Tiếp đến, một trong những giải pháp giảm thiểu, tác hại do khói thuốc lá đối với những người không hút thuốc lá là xây dựng các mô hình không thuốc lá như: Mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng… không khói thuốc. Đây là một phần quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc lá, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.
Điều đáng lưu ý hơn hết là cha mẹ và thầy giáo cùng những người thân cần gương mẫu, không hút thuốc lá, trò chuyện với các bạn trẻ về tác hại của thuốc lá và xây dựng các dịch vụ tư vấn bỏ thuốc…
Để ngăn ngừa nhiễm khói thuốc, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc, trong đó quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến.
Nhận thức rõ mối nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người từ đó cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa việc hút thuốc lá trong thanh thiếu niên hiện nay. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc, và chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ công chức, người lao động của ngành và học sinh, sinh viên, nhằm góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cho các thế hệ và tương lai của đất nước.