Năm 2013, Bộ Y tế và Bộ Công Thương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá. Diện tích này nhỏ hơn 25% so với diện tích in cảnh báo sức khỏe của các nước khác trong khu vực như Lào, Brunei và Myanmar. Các thông điệp về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người in trên bao bì thuốc lá của Việt Nam thực hiện từ năm 2013 đến nay nhưng chưa có thay đổi về hình ảnh và nội dung.
Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu, các hình ảnh cảnh báo sức khỏe in trên bao bì thuốc lá có hiệu quả tức thì trong việc giảm thiểu nhu cầu hút thuốc lá, từ đó góp phần làm giảm hơn 600.000 trường hợp tử vong do hút thuốc lá.Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì các sản phẩm thuốc lá dần dần mất đi hiệu lực cảnh báo của nó. Nguyên nhân là do người tiêu dùng đã quen với các hình ảnh này nên không còn cảm thấy sợ hãi, ấn tượng như lúc ban đầu. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, sau 12 đến 36 tháng nên thay đổi định kỳ các hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao bì thuốc lá.
Ảnh minh họa
Năm 2019, Trường Đại học Y tế Công Cộng Hà Nội đã phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để thực hiện nghiên cứu về hiệu quả của cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh in trên bao bì thuốc lá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 6 năm thực hiện, tác động của các hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá đến người sử dụng đều giảm. Đặc biệt, hình ảnh cảnh báo dành cho giới trẻ với thông điệp “Hút thuốc gây hôi miệng, hỏng răng” đã giảm và không còn ấn tượng so với ban đầu, kể cả người không hút thuốc lẫn hút thuốc do sự quen thuộc của hình ảnh trên đã làm giảm sự sợ hãi và lo lắng. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, hơn 70% người được hỏi đều đề xuất cần tăng diện tích hình ảnh cảnh báo sức khỏe, chiếm ít nhất 75% các mặt chính của bao bì thuốc lá.
Theo Điều 11 Nghị định 77/2013/NĐ-CP quy định về mức tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ như sau:
1. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức theo dõi thi hành và đánh giá việc thực hiện quy định in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá và đề xuất Chính phủ quy định tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá khi đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Việc tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phù hợp với từng thời kỳ phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với định hướng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; yêu cầu phòng ngừa và giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe; yêu cầu kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá;
b) Tăng hiệu quả tác động của việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá;
c) Phù hợp với tình hình, xu hướng in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá của các nước trong khu vực và trên thế giới.
3. Nội dung đề xuất tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá bao gồm:
a) Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá;
b) Mức tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá;
c) Dự báo tác động của việc tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá;
d) Tài liệu tổng hợp ý kiến của tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động của đề xuất tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
Hút thuốc lá hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mọi người hãy “Cam kết bỏ thuốc lá” như một hành động nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Nguồn: VITIC tổng hợp