Nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong do thuốc lá, các chuyên gia cho rằng cần áp dụng các chính sách nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như chính sách về thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá...
Hiện Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển. Từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Lần thứ nhất vào năm 2008 với mức tăng thuế suất từ 55% lên 65%, lần 2 vào năm 2016 (sau 8 năm) với mức tăng từ 65% lên 70%. Lần thứ 3 là vào năm 2019 với mức tăng từ 70% lên 75%. Các lần tăng thuế này hầu hết chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó tiêu dùng lại tăng trở lại. Điều đó cho thấy, tác động của việc điều chỉnh thuế đến giảm tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá trong 2 năm này chưa thực sự hiệu quả.
Theo khuyến cáo của WHO, Việt Nam cần giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75%/giá xuất xưởng (hiện tại) và bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 20,000 đồng/bao; hoặc áp dụng tỷ lệ thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu chỉ áp dụng thuế tỷ lệ) đạt 350%; hoặc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt trên cơ sở tính thuế là giá bán lẻ là 75%. Nếu Việt Nam để thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ sẽ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Mới đây, tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát thuốc lá trong những năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần. Tuy nhiên Việt Nam cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015, như đã đề ra trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Và đặc biệt đạt được mục tiêu trong “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025” theo Quyết định số 155/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký phê duyệt ngày 29/01/2022 vừa qua là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 15 tuổi trở lên còn dưới 37% vào 2025.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, phòng chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài, cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả. Theo tính toán, nếu tăng thuế khoảng 10% đối với thuốc lá thì sẽ góp phần giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển; đặc biệt tỷ lệ hút thuốc ở người nghèo, trẻ em sẽ giảm nhiều hơn.
Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá thấp trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển. Theo ước tính mỗi năm Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030 nếu không có chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá hữu hiệu hơn. Do đó, tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, đồng thời giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước.