Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành công nghiệp thuốc lá đang tiêu tốn 23 triệu đô la cho quảng cáo mỗi ngày. Ngành công nghiệp thuốc lá được xếp vào nhóm công ty thực hiện quảng cáo xanh (Greenwashing). Đây là thuật ngữ dùng để chỉ công ty sử dụng quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng tin rằng họ có các sản phẩm bảo vệ môi trường. Một hành động được xem là "Greenwashing" khi một công ty dành nhiều tiền bạc và thời gian tự xưng là doanh nghiệp xanh thông qua quảng cáo và tiếp thị hơn là thực sự tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường.
Mặc dù thúc đẩy quảng cáo cho rằng thuốc lá không gây hại cho môi trường thậm chí còn góp phần cải tạo, giúp môi trường xanh sạch. Nhưng sự thật, ngành công nghiệp thuốc lá đang góp phần gây hại cho hành tinh chúng ta.
Theo WHO, việc trồng trọt và sản xuất thuốc lá đang đầu độc không khí, nước, đất, các bãi biển và đường phố của chúng ta bằng các chất hóa học, chất thải độc hại, tàn thuốc và vi nhựa. Trồng thuốc lá góp phần vào nạn phá rừng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, khoảng 3,5 triệu ha đất bị phá để trồng thuốc lá và 600 triệu cây bị chặt để lấy gỗ sấy nguyên liệu thuốc. Việc phá rừng dẫn đến suy thoái đất và làm giảm khả năng hỗ trợ các cây trồng khác của đất.
Bên cạnh đó, trồng cây thuốc lá còn sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Các chất độc hại có trong thuốc thẩm thấu, tích tụ gây ô nhiễm nguồn nước, đất… Những nơi trồng nhiều cây thuốc lá thường có tình trạng đất trống trở nên bạc màu, cằn cỗi... Người trồng thuốc lá phải sử dụng 16 loại thuốc trừ sâu và nhiều loại phân bón hóa học. Về lâu dài, việc sử dụng nhiều hóa chất sẽ làm đất bị chai cứng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và những người trồng thuốc lá dễ bị mắc các bệnh liên quan đến việc sử dụng những loại hóa chất này...
Thuốc lá góp phần vào biến đổi khí hậu và giảm khả năng chống chịu với khí hậu. Trong quá trình sản xuất thuốc lá, nhiều chất thải được thải ra môi trường, bao gồm dung môi, bùn than, dầu nhựa, giấy và gỗ cũng như các chất thải hóa học độc hại khác; 84 triệu tấn CO2 thải ra từ hoạt động sản xuất thuốc lá, tương đương với khí thải từ việc phóng 280.000 quả tên lửa lên vũ trụ.
Việt Nam là một trong những nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng thụ động bởi khói thuốc lá. Bởi, trong một điếu thuốc lá chứa xấp xỉ 600 thành phần. Khi điếu thuốc được đốt lên, tạo ra hơn 7.000 hóa chất, trong đó, ít nhất 69 hóa chất được xác nhận là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố. Đó là Aceton là chất tẩy trong thuốc sơn móng tay, Amoniac là chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh, DDT/Dieldrin là thuốc trừ sâu, Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, hay như Methanol formaldehyde chất để ướp xác chết… Từ đó cho thấy, tác động của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường là rất lớn.
Thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh tật và tử vong, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện nghiêm những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tự giác, chủ động từ bỏ thuốc lá trước khi các chất độc hại ngấm vào cơ thể gây ra nhiều bệnh tật và có thể dẫn đến tử vong do các bệnh từ thuốc lá gây ra. Song song đó, mỗi người cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ những người thân yêu tránh khỏi việc hít phải khói thuốc lá thụ động. Đặc biệt là người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai.
Năm 2022, ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động có chủ đề: "Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta". Thông qua chủ đề này WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của công đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, đồng thời kêu gọi người dân không hút thuốc lá để hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường.