Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin đốt nóng chất lỏng chứa nicotine, dung môi hữu cơ, chất tạo hương vị khác. Dưới tác dụng của nhiệt, thiết bị cho phép hít nicotine ở dạng hơi chứ không phải khói - đó là lý do tại sao còn được gọi nó là vaping.
Thuốc lá điện tử mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường. Nhưng khác với thuốc lá thường, thuốc lá điện tử không tạo khói mà tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. Một số sản phẩm thuốc lá điện tử được tạo ra trông giống như thuốc lá điếu, xì gà hoặc tẩu thuốc thông thường, một số giống như bút, thanh USB.
Thuốc lá điện tử hiện nay len lỏi vào trường học bằng cách giả dạng son môi, USB, bút... với nhiều hương vị khác nhau để tránh bị phát hiện.
Thuốc lá điện tử được ví như "cạm bẫy hương vị" khi đánh trúng tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn. Sự mới lạ với những dụng cụ bắt mắt đã nhanh chóng được học sinh đón nhận và khám phá mà không tính đến những tác hại.
Không những thế, nó còn có mẫu mã đa dạng, cuốn hút giới trẻ. Những loại này thiết kế theo hình thức có bộ phận sạc pin và bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế tùy thích. Đây chính là nguyên nhân khiến một số thành phần biến tướng, trộn ma túy vào sử dụng. Bản thân dung dịch hút của thuốc lá điện tử đã chứa nicotin và nhiều chất gây hại cho cơ thể. Khi phối trộn thêm các loại chất lạ, chất kích thích, ma túy, thì tổng các thành phần gây hậu quả không thể lường trước được và có thể mang lại những hệ lụy.
Hiện nay sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh ở thanh thiếu niên cả ở Việt Nam và trên thế giới. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, năm 2020 có 8,35% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 hút thuốc lá điện tử, tăng 40 lần so với năm 2005.
Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử thường có biểu hiện giảm chú ý và tập trung, khả năng đưa ra quyết định kém, thay đổi tính cách và có nhiều hành động thất thường, suy giảm nghiêm trọng khả năng học tập.
Sử dụng thuốc lá điện tử còn là nguy cơ khiến học sinh gia nhập các băng nhóm thanh thiếu niên, gia tăng tình trạng cô lập và bắt nạt học đường, gây nhiều bất ổn trong trường học.
Dù nội dung tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đã được đưa vào chương trình giáo dục bậc THCS, THPT dưới nhiều hình thức đa dạng, tuy nhiên do tâm lý tuổi muốn tìm hiểu, khám phá điều mới, không ít học sinh vẫn muốn "trải nghiệm" dù biết tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử.
Vì vậy, mỗi gia đình cần phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, tiếp cận sinh hoạt hằng ngày của con, đặc biệt là mối quan hệ của con mình với bạn bè...để khuyến khích con có lối sống lành mạnh.