Trầm cảm là một trong các nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, gây nên tình trạng tàn tật ở trẻ vị thành niên. Thậm chí có thể gây tử vong nếu không thể kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.
Trong một cuộc nghiên cứu gần đây nhận thấy, tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Cụ thể có khoảng 26,3% các trẻ vị thành niên mắc chứng trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau; 6,3% các trẻ có suy nghĩ về cái chết; 4,6% trẻ bắt đầu lên kế hoạch tự sát và có đến 5,8 các trẻ cố gắng thực hiện hành vi tự sát của mình.
Các nhà khoa học ở Canada đã chỉ ra rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm ở trẻ vị thành niên và được công bố trên tạp chí Addictive Behaviors. Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng bảng câu hỏi điều tra đối với 662 trẻ vị thành niên từ lớp 7 đến lớp 11 về việc hút thuốc lá bao gồm cả khu vực thành thị và nông thôn.
Trẻ vị thành niên chưa biết được tác hại kinh hoàng của thuốc lá đối với sức khỏe. Hơn nữa trẻ vị thành niên cũng không phải là tuổi để nghĩ về những hậu quả sau này như các bệnh ung thư... Chúng là lứa tuổi dễ ảnh hưởng bởi các chương trình tivi, phim ảnh, internet, quảng cáo hay học đòi theo các bạn. Do đó trẻ em vị thành niên chính là đối tượng dễ bị ngành công nghiệp thuốc lá lợi dụng nhất. Đến 70% những người hút thuốc lá bắt đầu thử khi họ chưa đến 18 tuổi. Nhiều người bắt đầu từ năm 11 tuổi và có trẻ 14 tuổi đã nghiện thuốc lá. Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới hút cao nhất trên thế giới và số người hút thuốc lá ngày càng trẻ hóa đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Các triệu chứng trầm cảm như họ cảm thấy không hạnh phúc, lúc nào cũng cảm thấy lo lắng, bồn chồn, căng thẳng và buồn chán không rõ lý do. Kết quả cho thấy những người sử dụng thuốc lá như một chất kích thích tâm trạng có nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn so với những người không bao giờ hút thuốc.
Hút thuốc lá đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong và làm thay đổi hình ảnh truyền thống về những thanh niên khỏe mạnh trên toàn thế giới. Việc những người ở độ tuổi vị thành niên thử nghiệm những sản phẩm thuốc lá có thể dẫn tới việc phụ thuộc cả đời vào thuốc lá.
Kết quả trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong lứa tuổi học sinh 13-17 tuổi, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019 cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm 50%), tỷ lệ học sinh đã thử thuốc lá hoặc thuốc lào giảm từ 12,1% xuống 8,3%.
Nhận thức về tác hại của thuốc lá năm 2020 cao hơn năm 2015; có 96,2% người tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi; 81,1% tin rằng hút thuốc lá gây đột quỵ; 77,8% tin rằng hút thuốc lá gây đau tim và 72,2% tin rằng hút thuốc là gây ra cả 3 bệnh trên. 65,2% người dân đã từng nghe tới Luật phòng chống tác hại thuốc lá…
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua, đáp ứng được một trong những mục tiêu quan trọng của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đó là ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá.