Pháp luật của Indonesia đã có quy định thuốc lá chỉ được tiêu thụ và bán cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, nhưng không có hình phạt nào đối với những người bán lẻ, bán thuốc lá cho thanh thiếu niên. Tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá ở Indonesia khoảng 37,6%, cao thứ 5 thế giới. Trong đó, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá chiếm tới 71,3% trong tỷ lệ người hút thuốc và đứng đầu thế giới. Hút thuốc lá là việc phổ biến ở Indonesia, với 1/3 số người trưởng thành cho biết họ sử dụng thuốc lá thường xuyên. Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng tỷ lệ hút thuốc của Indonesia cao dẫn đến tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nước này cũng cao.
Bộ Y tế Indonesia cho biết, có khoảng 290.000 người tử vong mỗi năm do hút thuốc lá và gánh nặng kinh tế của việc hút thuốc lên cao hơn gấp 3 - 4 lần so với nguồn thu ngân sách từ thuế thu tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng giá thuốc lá hơn, làm cho người dân hạn chế chi tiêu vì mục đích này. Tuy nhiên, việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thuốc lá đinh hương cuộn tay, vốn bị chi phối bởi những người tham gia trên quy mô vừa và nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani, cho biết, chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ ngày 01/2/2021, nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc ở thanh niên xuống 8,7% vào năm 2024, từ 9,1% hiện nay. Chính phủ cũng nâng giá sàn đối với thuốc lá ở tất cả các chủng loại, dẫn đến giá bán lẻ cao hơn nhiều. Ví dụ, giá sàn SPM loại I sẽ tăng 12,01% lên 40.100 rupiah (2,8 USD) cho một bao 20 điếu. Đối với các nhãn hiệu thuốc lá bán chạy nhất, giá bán lẻ sẽ là 38.100 rupiah cho mỗi gói 20 điếu, cao thứ ba trong khu vực sau Singapore và Malaysia. Bà Sri Mulyani cho biết ước tính đợt tăng thuế đã khiến sản lượng giảm 3% xuống còn 310,4 triệu điếu vào năm 2021.
Tuy nhiên khi thuế tăng thì có nguy cơ gia tăng việc buôn lậu thuốc lá. Do đó, chính phủ sẽ chỉ thị cho các cơ quan chức năng phối hợp hành động chống lại những hành vi buôn lậu thuốc lá. Song song với tăng thuế, Chính phủ Indonesia có kế hoạch siết chặt các quy định kiểm soát thuốc lá còn tương đối lỏng lẻo nhằm hạn chế số lượng trẻ em hút thuốc đang ngày càng gia tăng.
Nhằm tăng cường quản lý các hoạt động quảng cáo và sản xuất thuốc lá và thuốc lá điện tử, Bộ Y Tế Indonesia cũng dự định yêu cầu tăng kích cỡ các hình ảnh cảnh báo sức khỏe được in trên bao thuốc lá từ mức 40% hiện nay lên 90%, cấm quảng cáo, tài trợ và khuyến mại các sản phẩm thuốc lá. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy năm 2021, có 144 quốc gia trên thế giới đã cấm hoàn toàn quảng cáo, tài trợ và khuyến mại thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các điểm bán hàng. Để đạt được mục tiêu hạn chế tiêu thụ thuốc lá, chính phủ Indonesia đang có kế hoạch tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 5% mỗi năm, trong 2 năm 2023 và 2024 là 10% đối với thuốc lá cuốn tay, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả các loại thuốc lá điện thêm 15% và các sản phẩm thuốc lá khác thêm 6% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Theo Bộ trưởng Bộ tài chính nước này, nguồn thu mang lại từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chính phủ Indonesia sẽ dành 50% số tiền cho quỹ phúc lợi của cộng đồng và hỗ trợ các cơ quan trong phòng chống buôn lậu thuốc lá, 50% số tiền còn lại sẽ được phân bổ cho sức khỏe cộng đồng, mua sắm, bảo trì cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng cho các cơ sở và dịch vụ y tế.

Nguồn: VITIC tổng hợp