Đây được xem là quyết định mạnh tay của chính phủ nước này nhằm hạn chế nhu cầu thuốc lá của người dân ở thị trường thuốc lá lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc này.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani, cho biết, chính sách tiêu thụ đặc biệt mới, có hiệu lực vào ngày 1/2/2021, nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc ở thanh niên xuống 8,7% vào năm 2024, từ 9,1% hiện nay. Tuy nhiên thuế tăngcó nguy cơ sẽ làm gia tăng việc buôn lậu thuốc lá ở nước này. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ chỉ thị cho các cấp của Tổng cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt (DJBC) phối hợp với các quan chức thực thi pháp luật tiếp tục hành động chống lại những hành vi buôn lậu loại thuốc lá bất hợp pháp.
Chính phủ Indonesia tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá gần như hàng năm kể từ năm 2014, nhưng dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi đã tăng khoảng 20% trong giai đoạn 5 năm tính đến năm 2018, trong khi tỷ lệ người trưởng thành không suy giảm, trái với xu hướng chung trên toàn cầu.
Hút thuốc lá là việc phổ biến ở nước này, với một phần ba số người trưởng thành cho biết họ sử dụng thuốc lá thường xuyên. Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng có mối liên hệ giữa tỷ lệ hút thuốc của Indonesia và tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nước này.
Theo WHO, ở Indonesia có khoảng 70% nam giới trưởng thành sử dụng các sản phẩm thuốc lá, là một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu. Tỷ lệ hút thuốc ở Indonesia là 29%, chỉ thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ. WHO cho biết mỗi năm có khoảng 225.700 người ở Indonesia chết vì hút thuốc hoặc các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Một cuộc điều tra sức khỏe cơ bản ở Indonesia năm 2018 cho thấy 33,8% người từ 15 tuổi trở lên hút thuốc, tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ hút thuốc ở nam là 62,9% và nữ là 4,8%. Số người hút thuốc trong độ tuổi từ 10 đến 18 tăng từ 7,2% năm 2013 lên 9,1% năm 2018. Nguyên nhân được cho là bởi giá thuốc lá ở Indonesia thấp nhất thế giới.
Theo báo cáo năm 2017 của WHO, Indonesia vẫn là một trong những quốc gia có thuốc lá rẻ nhất thế giới, với hộp 20 gói của nhãn hiệu bán nhiều nhất có giá 5,23 USD so với 11,82 USD ở nước láng giềng Malaysia và 14,86 USD ở Australia, theo báo cáo năm 2017 của WHO.
Ngoài ra, mặc dù luật pháp của Indonesia quy định rằng thuốc lá chỉ được bán và tiêu thụ bởi người lớn từ 18 tuổi trở lên, nhưng không có hình phạt nào đối với những người bán lẻ bán chúng cho thanh thiếu niên.
Bộ trưởng Tài chính Mulyani cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm cho giá thuốc lá đắt hơn, làm cho người dân hạn chế chi tiêu vì mục đích này. Tuy nhiên, bà cho biết, việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thuốc lá đinh hương cuộn tay, vốn bị chi phối bởi những người tham gia trên quy mô vừa và nhỏ.
Thuế thuốc lá là vấn đề thường gây tranh cãi ở Indonesia, với việc các công ty thuốc lá lớn cho rằng doanh số bán hàng giảm sút làm ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân đồng thời làm tăng doanh số bán thuốc lá lậu.
Việc tăng thuế lần này ước tính mang lại cho Chính phủ Indonesia 174 nghìn tỷ rupiah (12 tỷ USD). Bà Sri Mulyani cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ dành 50% số tiền thuế này cho Quỹ phúc lợi của cộng đồng và hỗ trợ các cơ quan trong phòng chống buôn lậu thuốc lá. Trong đó, một nửa số tiền sẽ được phân bổ cho sức khỏe cộng đồng, mua sắm, bảo trì cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng cho các cơ sở và dịch vụ y tế.
Chính phủ Indonesia dự kiến, sản lượng thuốc lá ở nước này sẽ giảm 3,2% xuống còn 288,8 tỷ điếu vào năm 2021.
Tham khảo: Bloomberg, Reuters, Theinsiderstories 

Nguồn: VITIC (T.H)