Vì vậy các sở, ban, ngành, các địa phương đã và đang tích cực tuyên truyền, triển khai một số giải pháp, đặt kế hoạch mục tiêu thực hiện tiến tới giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá trong xã hội. Đồng thời thực hiện việc kiểm soát mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, giảm tổn thất về kinh tế và sức khỏe cho mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Tăng cường việc thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và môi trường không khói thuốc.
Tại Bình Định: Trong kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2022 trên địa bàn, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu 80% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Chỉ tiêu: 100% lãnh đạo tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương hiểu biết về quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; 90% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 75% người dân tại cộng đồng hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra; 65% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; 150 trường mẫu giáo, 100 trường tiểu học, 100 trường Trung học cơ sở, 40 trường Trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; 10 nhà hàng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khu vực trong nhà của nhà hàng; 03 trường cao đẳng và đại học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tiếp tục thực thi môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị; 70% các công ty xe khách thực hiện quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện vận chuyển hành khách; 50 nhà hàng, khách sạn thực hiện mô hình quy định có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá đúng quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ...
Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cán bộ kiểm tra, công an và tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường các chương trình giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo địa phương về các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tác hại của thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha), các biện pháp cai nghiện thuốc lá.
Ảnh minh hoạ
Tại Kon Tum: Phấn đấu có 87% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc được ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá đề ra. Trong năm 2022 các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có quy định về việc thực thi môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị; 80% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị; 80% các công ty xe khách thực hiện quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện vận chuyển hành khách...
Tăng cường tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn. Tích cực vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên tham gia phòng, chống tác hại thuốc lá, gương mẫu, tự giác chấp hành việc không hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc; phát động phong trào thi đua “Môi trường công sở không khói thuốc”.