Nhờ các chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả và toàn diện theo Công ước khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá (WHO FCTC) và MPOWER - một thành tựu trong cuộc chiến chống lại nạn dịch thuốc lá mà hàng triệu người đã được cứu sống. Hiện nay trên thế giới có khoảng 38 triệu trẻ em từ 13 - 15 tuổi đang sử dụng thuốc lá, trong đó có khoảng 13 triệu trẻ em gái và 25 triệu trẻ em trai. Theo thống kê năm 2020 cho thấy, 22,3% dân số toàn cầu sử dụng thuốc lá, trong đó 36,7% nam giới và 7,8% phụ nữ. Số phụ nữ sử dụng thuốc lá năm 2020 khoảng 231 triệu người, chủ yếu thuộc nhóm tuổi từ 55 - 64 tuổi. Hiện nay, 60 quốc gia đang dần đạt được mục tiêu tự nguyện toàn cầu là giảm 30% việc sử dụng thuốc lá đến năm 2025.
Một số nước, khu vực đã giảm tỷ lệ như sau:
- Khu vực Châu Mỹ: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá bình quân từ 21% năm 2010 giảm xuống còn 16% năm 2020. Tỷ lệ hiện mắc bệnh do ảnh hưởng từ thuốc lá cũng giảm theo thời gian.
- Khu vực châu Phi: khu vực này có tỷ lệ sử dụng thuốc lá trung bình thấp nhất là 10% vào năm 2020, giảm so với mức 15% vào năm 2010.
- Khu vực châu Âu: Tại châu Âu khoảng 18% phụ nữ vẫn sử dụng thuốc lá, nhiều hơn so với các khu vực khác. Phụ nữ ở châu Âu vẫn sử dụng thuốc lá nhiều, tỷ lệ giảm chậm. Tất cả các khu vực khác của WHO đang trên đà giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở phụ nữ ít nhất 30% vào năm 2025.
- Khu vực Đông - Địa Trung Hải: Pakistan là quốc gia duy nhất trong khu vực này dần đạt được mục tiêu giảm thuốc lá.
- Khu vực Đông Nam Á: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở khu vực này cao nhất, với khoảng 432 triệu người sử dụng, chiếm 29% dân số. Nhưng đây cũng là khu vực có tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm nhanh nhất. Khu vực này có khả năng đạt tỷ lệ sử dụng thuốc lá tương tự như Khu vực Châu Âu và Khu vực Tây Thái Bình Dương vào năm 2025.
- Khu vực Tây Thái Bình Dương: Khu vực này được dự báo sẽ trở thành khu vực có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất ở nam giới, với hơn 45% nam giới vẫn sử dụng thuốc lá vào năm 2025.
- Tại Việt Nam: Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2022 - 2025 giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong các nhóm đối tượng: Nhóm nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống còn 39%; Nhóm nữ giới từ 15 tuổi trở lên không quá 1,4%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại các khu vực công cộng như sau: Tại nơi làm việc: giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 28%. Tại nhà hàng: giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 74%. Quán bar, cà phê: giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 83%. Khách sạn: Giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động tại khách sạn còn 59%. Từ nay đến 2025 sẽ cấm việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, như: thuốc lá điện tử, thuốc là nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Trong giai đoạn 2026- 2030 sẽ đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nhóm nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống 36,5%; nhóm nữ giới từ 15 tuổi trở lên không quá 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại các khu vực công cộng như sau: Tại nơi làm việc: giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 25%; Tại nhà hàng: giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 68%; Quán bar, cà phê: giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 78%; Khách sạn: Giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động tại khách sạn còn 52%.