Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế là "tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ" thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ thuốc lá, thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN như Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%.
Giá và thuế thuốc lá còn rất thấp là một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm tại Việt Nam.
Nhận định chung về vấn đề này, tại hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại của thuốc lá” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng cho rằng “Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, cần thay đổi điều này và làm thế nào để việc hút thuốc ở người trẻ trở nên khó khăn hơn".
Theo báo cáo của WHO, năm 2020, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia có số liệu báo cáo tại năm này. WHO đã chỉ ra, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng. Việc tăng thuế đối với thuốc lá có thể làm giảm số lượng người nghèo ở Việt Nam, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ, đồng thời có khả năng đầu tư thêm nguồn thu thuế vào các chương trình xã hội và y tế, cùng những tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá.
Chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc (phần còn lại là tác động từ các biện pháp khác bao gồm: thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá).
Hệ lụy của việc sử dụng thuốc lá quá dễ dàng là gánh nặng cho kinh tế, môi trường, xã hội và là nguyên nhân gia tăng các bệnh do thuốc lá gây ra. Chính vì vậy, tăng giá thuốc lá ở mức đủ cao là biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Việt Nam đang đối mặt với một số quyết định quan trọng là làm thế nào để bảo vệ người dân tốt nhất, đặc biệt là những người trẻ tuổi khỏi tác hại của thuốc lá. Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt mục tiêu này là nên tăng giá và thuế thuốc lá.