Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại có trong thuốc lá mới và thuốc lá điếu truyền thống và đều gây hại, sinh ra các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...
Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của sản phẩm này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các thuốc lá mới, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại. Tại Hội nghị (COP 8), WHO đã khuyến cáo, việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine như sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. WHO khuyến nghị các quốc gia thành viên quản lý chặt chẽ thuốc lá mới như thuốc lá điếu thông thường, có thể áp dụng hình thức cao nhất là cấm, nhưng số lượng các nước chọn quản lý thuốc lá mới vẫn đang gia tăng, lớn hơn rất nhiều so với thiểu số các nước chọn cấm.
WHO cho biết, đã có 184/195 quốc gia chính thức quản lý thuốc lá mới theo luật kiểm soát thuốc lá, xếp vào nhóm sản phẩm thuốc lá hoặc sản phẩm khác. Tuy nhiên, WHO cũng khuyến nghị, việc quản lý thuốc lá nên dựa trên chính kiến của các quốc gia, điều nay có thể giúp giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá, cũng như tiết kiệm ngân sách thay vì chỉ lao vào cuộc chiến chống thuốc lá lậu không hồi kết.
Tại Việt Nam, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 định nghĩa: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Như vậy, tính bao hàm của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, kèm các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia... đang phát huy tốt vai trò nền tảng trong quản lý các sản phẩm thuốc lá. Đây cũng là cơ sở pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá mới không chỉ là tuân theo Công ước khung FCTC của WHO mà còn là sự phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Từ các cơ sở trên, có thể cho rằng việc quản lý thuốc lá mới và thuốc lá điếu truyền thống có thể áp dụng tương tự như nhau theo luật hiện hành của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực kiểm soát mọi loại thuốc lá cũng là một trong những lộ trình cần hoàn thiện, thể hiện Việt Nam sẵn sàng đón nhận các sáng tạo về khoa học và linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với xu thế xã hội.
Thực tế cho thấy, thị trường thuốc lá điếu trên toàn cầu đang có chiều hướng sụt giảm, trong khi doanh số về các sản phẩm thuốc lá mới lại tăng lên. Nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Ước tính, trung bình số điếu thuốc hút trong ngày ở Việt Nam lên tới gần 217 triệu điếu, tiêu tốn khoảng 49.000 tỉ VNĐ/năm cho mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).
Đứng trước những tác hại về sức khoẻ, tổn thất về kinh tế mà việc hút thuốc lá gây ra với đối với cá nhân, gia đình xã hội và môi trường. Mới đây, sau phiên giải trình “Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” Bộ Y tế, Công an, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã cơ bản thống nhất cấm triệt để sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc lá mới ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng việc cấm triệt để thuốc lá mới ở Việt Nam là lựa chọn duy nhất đúng nhằm đẩy lùi, ngăn chặn tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới trong bối cảnh hiện nay, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân.
 

Nguồn: VITIC tổng hợp