Tại hội thảo triển khai kế hoạch dự án "Tăng cường thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua thí điểm mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng ở cấp quận và nhân rộng trên toàn quốc" do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã cho biết: “Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại thuốc lá có nhiều biến chuyển. Tuy nhiên kết quả chưa được như mong đợi do còn tồn tại nhiều hạn chế”.
Tuy nhiên, với mong muốn góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa các quy định về môi trường không khói thuốc, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá xây dựng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động, nhằm phát huy vai trò của người dân và tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc.
Theo đó, ứng dụng này giúp người dân có thể quay video/chụp ảnh để phản ánh các hành vi vi phạm hút thuốc nơi công cộng gửi về cơ quan chức năng xử lý.
Phần mềm Vn0khoithuoc có 2 ứng dụng gồm: Ứng dụng dành cho người phản ánh để quay video/chụp ảnh các hành vi vi phạm và gửi về cơ quan chức năng và ứng dụng dành cho các cơ quan chức năng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh.
Thông tin phản ánh của người dân sẽ được tiếp nhận và xử lý bởi cơ quan Ủy ban nhân dân cấp quận và chuyển xuống cấp xã, phường nơi có cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, đồng thời chuyển lại kết quả để người dân theo dõi, giám sát quá trình xử lý.
Quá trình phản ánh, tiếp nhận và xử lý được thực hiện thông qua các chức năng của phần mềm mobile-app và ứng dụng website quản lý. Người dùng thực hiện bằng cách tải miễn phí trên Apple Store và CH Play.
Các chức năng chính của ứng dụng phản ảnh bao gồm: Phản ảnh vi phạm; Bình chọn các địa điểm thực hiện tốt quy định về môi trường không khói thuốc lá; Cung cấp thông tin sự kiện, quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá. Trong đó, thông tin về hành vi vi phạm được phản ảnh bao gồm: hình ảnh vi phạm; tên, địa chỉ của địa điểm vi phạm; loại hình cơ sở vi phạm...
Thông tin phản ảnh của người dân sẽ được tiếp nhận và xử lý bởi cơ quan UBND cấp quận và chuyển xuống cấp xã/phường nơi có cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, đồng thời chuyển lại kết quả để người dân theo dõi, giám sát quá trình xử lý.
Từ năm 2012, Việt Nam đã áp dụng luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và khuôn viên cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ, nơi làm việc, trường đại học, cao đẳng, học viện và các phương tiện giao thông công cộng như ôtô, máy bay, tàu điện...
Nhiều nơi trên thế giới cũng đã xây dựng các ứng dụng cho điện thoại di động để báo cáo các vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng. Các ứng dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và một số bang của Ấn Độ do Bộ Y tế các nước xây dựng và điều hành và được kết nối trực tiếp đến các cơ quan thi hành pháp luật.
Sau khi thí điểm ứng dụng phần mềm này tại 2 quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội). Qua khảo sát phần lớn người dân cho rằng đây là công cụ hiệu quả để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ứng dụng đặc biệt phù hợp trong bối cảnh phương tiện internet, mạng xã hội rất thuận tiện và phù hợp để tuyên truyền về công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.