CPTPP cũng là FTA đầu tiên mà Chính phủ có Kế hoạch thực hiện CPTPP, trong đó có xây dựng pháp luật là nhóm nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, với nhiều văn bản pháp luật cần được xây dựng mới hoặc điều chỉnh, bổ sung. Công tác xây dựng pháp luật thực thi CPTPP trở thành điểm khác biệt nổi bật của Hiệp định so với 10 FTA đang thực thi trước đó của Việt Nam. Phần này đưa ra bức tranh tổng quan về hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP thông qua việc diễn giải các vấn đề cơ bản của hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP ở Việt Nam (Mục I) và từ đó nhận diện các nhiệm vụ xây dựng pháp luật cụ thể nhằm thực thi CPTPP của Việt Nam (Mục II).
Đây sẽ là các thông tin tiền đề quan trọng để rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua (2019-2021) và sự chuẩn bị cho công tác này ở những năm tiếp theo trong tiến trình thực thi Hiệp định quan trọng này.
Lược sử về CPTPP
CPTPP đã trải qua một số lần đổi tên trong suốt một thập kỷ rưỡi tồn tại. Ban đầu CPTPP có tên là P4, lần đổi tên đầu tiên của hiệp định này có hiệu lực vào năm 2006, khi New Zealand, Chile, Singapore và Brunei ký Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương. Năm 2010, Hoa Kỳ, Úc, Việt Nam và Peru đã tham gia đàm phán với các thành viên P4 và để thể hiện sự gia tăng về số lượng thành viên, hiệp định được đổi tên thành TPP. Trong những năm tiếp theo, Malaysia (2010), Canada (2012), Mexico (2012) và Nhật Bản (2013) cũng tham gia đàm phán. Các cuộc đàm phán TPP kết thúc vào năm 2015 và tất cả 12 thành viên đã ký hiệp định vào năm 2016. Tuy nhiên, vào năm 2017, Hoa Kỳ đã thông báo cho các thành viên khác rằng họ không có ý định thông qua hiệp định này. Việc Hoa Kỳ rời khỏi TPP đã làm đình trệ tiến trình phê chuẩn hiệp định và 11 thành viên còn lại đã họp để xác định các bước hành động tiếp theo. Sau nhiều cuộc họp trong suốt cả năm 2017, các quan chức đã kết thúc đàm phán và quyết định tên gọi chính thức là CPTPP vào đầu năm 2018. Vào tháng 3 năm 2018, tất cả 11 quốc gia đã ký hiệp định cập nhật.
Các quy tắc của CPTPP quy định rằng hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi có ít nhất một nửa số quốc gia thành viên (sáu quốc gia) phê chuẩn hiệp định. Sáu quốc gia đầu tiên phê chuẩn hiệp định bao gồm: Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Úc. Úc là quốc gia thành viên thứ sáu phê chuẩn hiệp định vào tháng 10 năm 2018 và theo đó, CPTPP có hiệu lực vào cuối năm 2018. Đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên của CPTPP, xóa bỏ thuế đối với 89% dòng thuế quan, đã được thực hiện vào ngày hiệp định có hiệu lực vào ngày 30 tháng 12 năm 2018. Theo hiệp định, các bên tham gia CPTPP thực hiện các đợt cắt giảm thuế quan tiếp theo mỗi năm một lần cho đến khi thuế quan được xóa bỏ (hoặc giảm bớt). Điều này có nghĩa là đợt cắt giảm thuế quan của “năm” thứ hai có thể diễn ra chỉ một tuần sau đợt cắt giảm đầu tiên, vào tháng 1 năm 2019.
Cùng tháng đó, Hiệp Định có hiệu lực đối với Việt Nam và ngay lập tức Việt Nam thực hiện đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên. Sáu quốc gia đã phê chuẩn CPTPP có thể lựa chọn họ có muốn Việt Nam thực hiện “bắt kịp thuế quan” hay không (ví dụ: đợt cắt giảm thuế quan thứ hai ngay sau đợt đầu tiên, vào tháng 1 năm 2019) hay để đợt cắt giảm thuế quan thứ hai sang năm sau mới thực hiện. Ngoại trừ Mexico, tất cả các quốc gia đều chọn cho phép Việt Nam “bắt kịp thuế quan”. Năm 2021 là năm thứ tư cắt giảm thuế quan đối với các thành viên CPTPP. Tại thời điểm soạn thảo tài liệu này, có ba quốc gia thành viên – Brunei, Chile, Malaysia – chưa phê chuẩn hiệp định, có nghĩa là hiệp định chưa có hiệu lực đối với họ. Các nền kinh tế khác cũng thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia hiệp định: Tháng 6 năm 2021, Vương quốc Anh chính thức tiến hành các cuộc đàm phán xin gia nhập CPTPP.
Các chữ cái “C” và “P” trong CPTPP có nghĩa là gì?
Mặc dù TPP mất đi một thành viên vào năm 2017, nhưng cũng đã đạt được thành tựu, đó là thêm hai chữ cái vào tên hiệp định. Cái tên TPP ban đầu được đổi thành CPTPP sau khi Bộ Trưởng Thương Mại Quốc Tế lúc bấy giờ của Canada, ngài FrancoisPhilippe Champagne, đưa ra đề xuất trong các cuộc đàm phán, bổ sung chữ “C” có nghĩa là Comprehensive (Toàn Diện) và “P” có nghĩa là Progressive (Cấp Tiến).
Ngược lại, điều này đặt ra câu hỏi, chúng ta muốn nói điều gì khi gọi hiệp định này là hiệp định toàn diện và cấp tiến? Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định, 11 thành viên còn lại quyết định sửa đổi một số phần của hiệp định. Các quốc gia muốn xây dựng mối quan hệ đối tác dựa trên nguyên tắc thương mại tự do, bao trùm và cởi mở, một khái niệm được coi là đặc biệt cần được bảo vệ trong thời kỳ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên toàn thế giới. Các FTA cũng không còn được quan tâm do tâm lý phổ biến cho rằng FTA chỉ mang lại lợi ích cho các tập đoàn đa quốc gia lớn chứ không phải cho phần còn lại của xã hội.
Với CPTPP, có sự thúc đẩy mở rộng thương mại tự do và cởi mở và đảm bảo rằng thương mại được đề cập mang tính bao trùm – nói cách khác là toàn diện hơn và cấp tiến hơn. Từ “toàn diện” có nghĩa là làm cho hiệp định cởi mở hơn với các lĩnh vực và doanh nghiệp khác nhau. Các yếu tố toàn diện được thể hiện trong chương về SME và trong chương về doanh nghiệp nhà nước. Việc bổ sung từ “cấp tiến” được thể hiện trong các chương về quyền lao động và môi trường – cả hai chương đều có quy trình giải quyết tranh chấp để đảm bảo sự tuân thủ. Ngoài ra, còn có các phần bổ sung về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), quyền của Người Bản Địa và tính đa dạng. Thông qua việc sửa đổi hiệp định, một số điều khoản cũng đã được loại bỏ, như các cam kết chắc chắn về sở hữu trí tuệ (ví dụ: độc quyền thị trường và luật bản quyền). Nhìn chung, việc bổ sung hai từ “cấp tiến” và “toàn diện” có nghĩa là hiệp định đang cố gắng đảm bảo tính bao trùm và cố gắng đảm bảo rằng tất cả các thành phần xã hội đều được hưởng lợi từ FTA này. Việc bổ sung hai từ “toàn diện” và “cấp tiến” không phải là lời giải thích đến sau hành động trong quá trình này. Hai khái niệm này là những khía cạnh quan trọng của CPTPP, bằng chứng là chúng là hai chữ cái đầu tiên trong tên của hiệp định.
Với một nghị trình thương mại bao trùm, nhằm mở rộng lợi ích thương mại rộng rãi hơn cho các nhóm như SME, Người Bản Địa và phụ nữ, Canada sẽ không tham gia bất kỳ FTA nào khi những khái niệm này không được đặt làm trọng tâm. Hy vọng cuối cùng để tạo ra một hiệp định toàn diện và cấp tiến là các quan điểm về tính bao trùm, thương mại cởi mở, quyền lao động và môi trường sẽ tạo ra một tiêu chuẩn cho các FTA khác, hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành chuẩn mực quốc tế.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương