Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 4% lên 1.175 CNY (tương đương 183,78 USD)/tấn, trong phiên giá đã tăng lên 1.191,5 CNY.
Quặng sắt tại Singapore tăng 1,5% lên 203,65 USD/tấn. Giá quặng sắt tăng bất chấp cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường giám sát giá hàng hóa và thị trường.
Những lo ngại về nguồn cung quặng sắt tại Trung Quốc cũng thúc đẩy giá giao ngay, với quặng sắt hàm lượng 62% Fe tăng lên 209 USD/tấn trong ngày 8/6, cao nhất kể từ ngày 19/5, theo công ty tư vấn số liệu SteelHome.
Tồn kho quặng sắt tại các cảng Trung Quốc giảm xuống 127,65 triệu tấn trong tuần trước, thấp nhất kể từ ngày 5/2, trong khi lượng nhập khẩu giảm so với tuần trước và một năm trước.
Lượng hàng từ nhà khai thác quặng sắt hàng đầu Rio Tinto đang giảm, trong khi công ty Vale SA của Brazil gián đoạn sản xuất tại hai mỏ do lo ngại an toàn, làm giảm sản lượng khoảng 40.000 tấn một ngày.
Về mặt nhu cầu, một số nhà phân tích cho biết triển vọng về sản phẩm thép của Trung Quốc vẫn sáng sủa bất chấp số liệu thương mại trong tháng 5, do sự phục hồi kinh tế toàn cầu vững chắc dường như sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc.

Thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,3%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,1%. Thép không gỉ tăng 2,1%.

Những công ty xây dựng tại Malaysia không có điều khoản hợp đồng về chi phí tăng đang gặp nhiều khó khăn

Những công ty xây dựng không có điều khoản hợp đồng về chi phí tăng đang gặp nhiều khó khăn – theo Hiệp hội Các nhà xây dựng chuyên nghiệp Malaysia, tổ chức đại diện hơn 1.000 thành viên. Hiệp hội này đang đề nghị Chính phủ Malaysia giúp đỡ để vượt qua “bão giá” vật liệu.
 “Giờ là lúc những nhà thầu bị chốt giá vật liệu xây dựng từ trước cảm nhận rõ ảnh hưởng của việc tăng giá”, Chủ tịch hiệp hội, ông Sufri Hj Mhd Zin, nói với hãng tin Bloomberg. “Giá vật liệu tăng không hề tốt cho ngành xây dựng, cho dù đó là nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà thầu, chủ đầu tư, hay người dân”.
 Đợt tăng giá vật liệu này đang gia tăng sức ép chi phí lên toàn bộ ngành xây dựng và bất động sản ở Malaysia, giữa lúc Chính phủ nước này đang chật vật phục hồi nền kinh tế bị đốn gục bởi một làn sóng Covid mới. Hôm Chủ nhật vừa rồi, số ca nhiễm mới ở Malaysia lập kỷ lục 7.000 ca, khiến Chính phủ nước này phải triển khai các biện pháp hạn chế mới.
 Ngoài ra, giá vật liệu còn lên cơn sốt đúng vào lúc Chính phủ Malaysia cân nhắc khôi phục các dự án hạ tầng quy mô mô lớn và dành ra một khoản kỷ lục 69 tỷ Ringgit, tương đương 17 tỷ USD, cho phát triển hạ tầng trong ngân sách 2021.
 Một chỉ số đo giá cổ phiếu của các công ty xây dựng Malaysia đã giảm khoảng 9% trong tháng 5 này, mạnh nhất kể từ tháng 1. Cổ phiếu Gamuda - công ty phát triển bất động sản lớn nhất Malaysia về vốn hoá - đã giảm 12; cổ phiếu IJM Corp. giảm 12%; cổ phiếu Kerjaya Prospek Group Bhd. giảm 8,9%.
 Ông Sufri cho biết, ngành xây dựng Malaysia đã đề nghị Chính phủ đưa một điều khoản về biến động giá vật liệu vào các dự án để bảo vệ nhà thầu khỏi sự tăng giá. Từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, giá thép hình T loại 10 mm, một vật liệu chính dùng trong ngành xây dựng, đã tăng 30% ở Malaysia.
 Tuy nhiên, một số công ty xây dựng không cho rằng giá thép sẽ tăng kéo dài. Nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạ sốt giá nguyên vật liệu đã ít nhiều phát huy tác dụng, kéo giá nhôm, thép và quặng sắt đi xuống.
 Giá thép có thể tăng đến cuối năm nay rồi sau đó thị trường sẽ cân bằng. “Tôi không cho rằng giá sẽ tăng lâu hơn”, Chủ tịch Tee Eng Ho của Kerjaya Prospek nhận định.

Nguồn: VITIC/Reuters