Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 14h20 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,20 triệu đồng/lượng - bán ra 56,82 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,10 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng) - bán ra 56,65 triệu đồng/lượng (giảm 250.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,15 triệu đồng/lượng - bán ra 56,75 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,20 triệu đồng/lượng - bán ra 56,70 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng chiều ngày 18/6/2021 tiếp tục giảm xuống mức 56,82 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới 1.775- 1.782 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.775 – 1.782 USD/ounce, giảm 38-43 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng giảm 5 ngày liên tiếp, đang còn trong xu hướng giảm trong vùng đáy của hơn 4 tuần. Đồng USD đang vững giá ở vùng đỉnh của 1 tháng, gây áp lực giảm lên giá vàng.
Vàng giảm giá vì áp lực từ đồng USD tăng mạnh và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gợi ý về khả năng sớm tăng lãi suất. Vàng thường được xem là hàng rào chống lại lạm phát, việc Fed nâng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời và làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Thị trường đêm qua đón nhận thông tin từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp nước này đã tăng trở lại lên 412.000 đơn. Đây là tuần đầu tiên số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng trở lại sau 6 tuần giảm liên tiếp. Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới giá vàng là lợi suất trên trái phiếu kho bạc 10 năm của Hoa Kỳ vẫn chỉ xoanh quanh 1,5% vào chiều thứ Năm, giảm đáng kể so với mức gần 1,6% trước đó.
Mặc dù vậy, áp lực bán ra sau phiên họp chính sách của Fed vẫn gây sức ép lên giá kim loại quý. Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá kéo dài 9 tuần trên biểu đồ ngày đã bị phủ nhận một cách rõ ràng.
Mức giảm tiếp theo được dự báo, có thể là quanh khu vực 1.760 USD/ounce. Trước đó, thị trường cũng sẽ cần phải vượt qua đỉnh của vùng giá tiếp theo ở mức 1.780 USD/ounce, đây cũng có thể là vùng hỗ trợ mạnh. Ở ngưỡng trên, vùng kháng cự tiếp theo có thể sẽ là 1.845,8 USD/ounce.
Đúng như kỳ vọng, Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) đã duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn đồng USD ở mức gần 0%. Tuy nhiên, Fed dự báo đến khả năng sẽ nâng lãi suất ngay từ đầu năm 2023, sớm hơn một năm so với mốc trước đó và thậm chí là hai đợt điều chỉnh tăng trong năm. Fed vừa cho biết, kỳ vọng lạm phát năm nay tăng nhưng không đề cập khi nào sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu, dù Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận, "các quan chức Fed đã bàn trong cuộc họp". Những tuyên bố này khiến nhiều người nhớ lại cách đây 1 năm, Fed khẳng định họ chưa hề nghĩ đến việc nâng lãi suất cơ bản USD. Như vậy, định hướng điều chỉnh lãi suất USD đã thay đổi khá nhanh so với hồi tháng 3, khi Fed nói rằng, sẽ không có đợt nâng lãi suất USD nào ít nhất cho đến năm 2024.
Fed đồng thời nâng dự báo lạm phát toàn phần năm 2021 lên mức 3,4%, cao hơn 1% so với mức dự báo vào tháng 3. Tuyên bố sau cuộc họp chính thức, Fed vẫn khẳng định rằng, áp lực lạm phát chỉ mang tính chuyển giao. Fed đã thay đổi mức lạm phát kỳ vọng khi mà trong tháng 5 vừa qua, giá cả tiêu dùng tăng mạnh nhất trong 13 năm.
Thị trường đã ngay lập tức phản ứng với tuyên bố chính sách của Fed. Chứng khoán giảm điểm và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng khi nhà đầu tư dự báo nhiều hơn về khả năng chính sách của Fed sẽ bị thắt chặt trong thời gian tới. Ngoài ra giới đầu tư cũng đang tính đến khả năng chương trình mua trái phiếu sẽ chững lại ngay trong năm nay.
Ngay cả khi đã điều chỉnh nâng dự báo lạm phát trong năm nay, Fed vẫn cho rằng trong dài hạn, lạm phát Mỹ sẽ diễn biến quanh mức mục tiêu 2% của Fed. Fed dự báo GDP Mỹ có thể tăng trưởng 7% trong năm nay từ mức 6,5% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi ở mức 4,5%.

Nguồn: VITIC