Theo các nhà giao dịch, đây sẽ là tín hiệu để dự đoán lộ trình Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất. Động thái này khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn và làm tăng chi phí nắm giữ vàng.
Ngay phiên đầu tuần (4/10), giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần do đồng USD suy yếu và tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường chứng khoán đã thúc đẩy nhu cầu đối với kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Tuy nhiên, giá vàng trong phiên 5/10 giảm khi lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng. Bên cạnh đó, theo khảo sát của IHS Markit, số liệu điều chỉnh theo mùa về chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng Chín ở mức 54,9, tăng nhẹ so với ước tính sơ bộ 54,4 được công bố trước đó, nhưng giảm so với mức 55,1 trong tháng Tám.
Trong phiên giao dịch 6/10, giá vàng thế giới tăng nhẹ do lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm. Đà tăng giá vàng chịu áp lực do ảnh hưởng của số liệu của công ty dịch vụ nguồn nhân lực Automated Data Processing Inc (Mỹ) cho thấy số lượng việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ đã tăng 568.000 trong tháng 9/2021, tốt hơn so với dự báo trước đó.
Tâm lý tiêu cực lan rộng trong phiên 7/10 khiến giá vàng thế giới đi xuống. Nguyên nhân chủ yếu là do những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm thu hẹp chương trình kích thích kinh tế khi thị trường lao động cải thiện đáng kể.
Đến phiên giao dịch cuối tuần (8/10), giá vàng thế giới được hỗ trợ bởi thông tin số lượng việc làm mới trong tháng Chín thấp hơn nhiều so với dự đoán. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu và khép lại phiên này, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2021 mất 1,8 USD, hay giảm 0,1% xuống 1.757,40 USD/ounce.
So với mức đóng cửa phiên cuối tuần trước là 1.758,40 USD/ounce, giá kim loại quý này giảm 1 USD.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ ghi nhận thêm 194.000 việc làm mới trong tháng 9/2021, thấp hơn đáng kể so với dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của tờ The Wall Street Journal là 500.000 việc làm. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp số liệu việc làm không đạt được kỳ vọng.
Jason Teed, nhà quản lý danh mục đầu tư của quỹ Gold Bullion Strategy Fund (Mỹ), nhận xét rằng số liệu việc làm "đáng thất vọng" cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể chưa đủ "tín hiệu " để Fed thu hẹp gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất. Đây cũng sẽ yếu tố thuận lợi cho vàng, vì lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho nhu cầu nắm giữ kim loại này.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong phiên sau khi đồng USD giảm giá và lợi suất trái phiếu giảm sâu. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ hơn báo cáo việc làm, các nhà đầu tư vàng nhanh chóng nhận ra rằng Fed sẽ vẫn duy trì lộ trình giảm chương trình mua tài sản vẫn sẽ diễn ra vào tháng 11 tới và áp lực lạm phát vẫn còn cao, điều đó vẫn có thể khiến lãi suất tăng cao hơn trong năm tới.
Dù vậy, Ken Ford, chủ tịch của công ty tư vấn Warwick Valley Financial Advisors (Mỹ) nhận xét, số liệu việc làm cho thấy nền kinh tế đang phục hồi chậm lại nhưng điều tệ hơn là số lượng người lao động quay trở lại thị trường việc làm ngày càng giảm và các công ty đang phải trả mức lương cao hơn để thu hút nhân viên, điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại về xu hướng nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao. Vàng là một số ít loại tài sản vẫn giữ được giá trị trong những tình huống như vậy trong quá khứ.
Ông Ford tin rằng những lời chỉ trích gần đây cho rằng vàng không còn là hàng rào chống lạm phát tốt là "vô căn cứ" khi mà giá kim loại quý này đã tăng hơn 500% trong 20 năm qua, và vàng gần đây đã tăng gần 70% từ mức thấp nhất cách đây ba năm.

Nguồn: Mai Ly/TTXVN (Tổng hợp)