Trong trái tim nhiều người, vàng luôn có một vị trí đặc biệt. Vàng có thể được dùng làm trang sức hoặc đơn giản là một công cụ lưu giữ giá trị. Tuy nhiên, việc mua lại tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người về thế giới và về bản thân kim loại đó, mua với mục đích làm trang sức, đầu tư hay phòng ngừa rủi ro…
Nhiều năm trước, vàng là thứ không dễ để sở hữu bởi phải mua vàng dưới dạng thỏi hoặc đồng xu. Còn đầu tư vào hợp đồng tương lai vàng cũng vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, ngày nay, ai cũng có thể sở hữu vàng, dưới dạng vật lý hoặc đầu tư vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Quỹ ETF vàng lớn nhất là SPDR Gold Trust (GLD) với tài sản 85 tỷ USD.
Theo CNBC, mọi người thường có 5 lý do chính để mua vàng.
Thứ nhất, mua vàng để lưu trữ giá trị. Vàng có thể được mua bán và lưu trữ để sử dụng trong tương lai.
Thứ hai, mua vàng làm trang sức. Khoảng 50% sản lượng vàng được mua làm trang sức. Tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, vàng trang sức thường chiếm một phần rất lớn trong tài sản của các hộ gia đình.
Thứ ba, mua vàng để phòng hộ lạm phát. Khi lạm phát tăng nhanh, các nhà đầu tư thường tìm đến vàng.
Thứ tư, mua vàng để phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Các nhà đầu tư thường tìm đến vàng trong các cuộc khủng hoảng tài chính hay địa chính trị. Đây cũng lý do mua vàng phổ biến khi xảy ra chiến tranh hoặc khi niềm tin vào chính phủ lao dốc.
Thứ năm, mua vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Vàng thường được xem là một loại tài sản riêng biệt so với cổ phiếu, trái phiếu và các loại hàng hóa khác. Do đó, vàng thường dùng để đa dạng hóa danh mục đầu tư vì biến động của kim loại này không tương quan với các loại tài sản khác.
Dù vàng có rất nhiều điểm hấp dẫn, không ít người vẫn cho rằng không nên sở hữu kim loại này. Trong nhiều thập kỷ qua, vàng mang lại lợi nhuận tương đối thấp so với cổ phiếu hay thậm chí thấp hơn cả trái phiếu. Một nghiên cứu cho thấy từ năm 1972-2013, lợi nhuận của cổ phiếu luôn cao hơn vàng dù giá có tăng, giảm hay đi ngang. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng vàng không phải là công cụ tốt để phòng hộ lạm phát.
Theo huyền thoại đầu tư Warren Buffett, một vấn đề nữa là vàng không sinh giá trị. Không giống cổ phiếu, vàng không tạo ra lợi nhuận trong tương lai. Không giống trái phiếu, vàng không trả lợi tức. Vàng chỉ ở đó và thậm chí phải trả chi phí để lưu giữ nó, kể cả với một ETF.
Dù vậy, thời gian gần đây, giá vàng liên tục lập đỉnh và đạt mức 1.944,6 USD/ounce trong ngày 29/7. Vàng đang được giao dịch với khối lượng chưa từng thấy kể từ khi kim loại này có mặt trên Sàn giao dịch Hàng hóa Chicago (CME) vào năm 1974 trong bối cảnh quan ngại về tình hình kinh tế và đại dịch Covid-19 ngày càng gia tăng.

Nguồn: Lê Giang/Người đồn hành (Theo CNBC)