Do đó, giá thép đã tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng này. Mặc dù gần đây giá thép thế giới giảm nhưng hiện vẫn ở mức cao, đẩy biên lợi nhuận trong ngành sản xuất thép tăng lên, và làm dấy lên những lo ngại về lạm phát.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.063 CNY (tương đương 166,79 USD)/tấn, tăng 4,1% so với đóng cửa phiên trước, trong phiên có thời điểm đạt 1.074,5 CNY (tương đương 168,51 USD)/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên sàn Singapore phiên này cũng kết thúc ở mức tăng 1,1% lên 185 USD/tấn, sau khi có thời điểm đạt 186 USD/tấn.
Những tuyên bố gần đây của Trung Quốc về cải cách năng lực thép đã làm thị tường dấy lên lo ngại về triển vọng nguồn cung sẽ trở nên thắt chặt.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, giá quặng sắt vẫn giảm hơn 5% do những mất mát quá lớn ở những phiên đầu tuần. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp giá nguyên liệu thép này sụt giảm bởi lo ngại việc Trung Quốc kiểm soát giá hàng hóa.
Giá thép cũng tăng trong phiên cuối tuần, theo đó thép thanh vằn kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải tăng 4,1%, thép cuộn cán nóng tăng 4,9%.
Trên thực tế, dự trữ các sản phẩm thép của Trung Quốc vẫn đang giảm do nhu cầu mạnh. Lượng thép thanh vằn lưu trữ ở đã giảm liên tiếp trong 10 tuần qua, xuống xuống 7,24 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 21/5 và hiện thấp hơn 38% so với mức đỉnh 11,55 triệu tấn của tuần kết thúc vào 12/3.
Một cuộc khảo sát gần đây do 100njz.com, nhà cung cấp dữ liệu về ngành xây dựng Trung Quốc thực hiện với 460 công ty cho thấy nhiều công ty đang cảm thấy khó khăn. Khoảng 56% nói rằng giá hàng hóa tăng đã ảnh hưởng đến lịch trình làm việc của họ nhiều mức độ khác nhau. Trong số đó, 30% cho biết họ phải tạm dừng thi công để kiểm soát chi phí, số còn lại đều có dự án chậm tiến độ.
Ngoài ra, 44% số công ty được hỏi cho biết mặc dù vẫn đang tiến hành xây dựng theo kế hoạch, họ đã phải cắt giảm việc mua thép. Điều này có thể khiến các công ty cân nhắc tạm dừng thi công trong tương lai.
Mức độ biến động của giá thép kể từ đầu năm
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu tỏ ra lo ngại về chi phí gia tăng và khả năng giá tăng phi mã có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhiều lần đề cập đến "giá hàng hóa tăng" và áp lực đối với các doanh nghiệp nhỏ trong các cuộc họp cấp nhà nước gần đây.
Nguy cơ là rất lớn: Trung Quốc cần tăng trưởng khoảng gần 5% mỗi năm trong thập kỷ tới để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2035. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trở lên và tạo thêm 11 triệu việc làm mới trong năm nay.
Giữa bối cảnh đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng trước đã phát biểu trong cuộc họp với các giám đốc điều hành doanh nghiệp rằng đảm bảo việc làm là "nền tảng quan trọng để ổn định nền kinh tế”. Ông đồng thời nói thêm rằng Chính phủ sẽ cố gắng giúp hạn chế chi phí nguyên vật liệu cho doanh nghiệp.
Trung Quốc đã có nhiều động thái để thực hiện hóa cam kết của mình, bao gồm hạn chế xuất khẩu thép, yêu cầu doanh nghiệp ấn định giá hợp lý, thắt chặt các quy tắc trên sàn giao dịch đối với các hợp đồng thép hoặc than.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng sẽ rất khó để Trung Quốc bình ổn giá hàng hóa thành công mà không ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.
Các nhà phân tích của Citi đã viết trong một báo cáo nghiên cứu mới công bố ngày 17/5 rằng Bắc Kinh có thể sẽ "hết các lựa chọn" để kiềm chế lạm phát, trừ khi họ thu hẹp những mục tiêu khác như bảo vệ môi trường. Nhưng nhóm chuyên gia Citi lại không dự đoán Bắc Kinh từ bỏ chương trình nghị sự về môi trường, vốn có "ưu tiên cao hơn" so với rủi ro lạm phát.
Theo chuyên gia Louis Kuijs của Oxford Economics, tình trạng giá hàng hóa tăng cao cho thấy mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để ổn định nền kinh tế - và việc thay đổi hướng đi của nước này có thể khó khăn như thế nào./.