Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 16h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,40 triệu đồng/lượng - bán ra 57,12 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,15 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 57,10 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,40 triệu đồng/lượng - bán ra 57,10 triệu đồng/lượng (tăng 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,40 triệu đồng/lượng - bán ra 57,40 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng chiều ngày 12/8/2021 trong nuớc và thế giới tăng mạnh trở lại
Giá vàng thế giới 1.751 – 1.759 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 12/8 giao dịch quanh ngưỡng 1.751 – 1.759 USD/ounce, tăng 23 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh khi Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,5% trong tháng 7/2021, sau khi tăng 0,9% trong tháng 6/2021. Dữ liệu phù hợp với dự báo đồng thuận của các nhà kinh tế. Trong năm, lạm phát Mỹ đã tăng 5,4%.
Một số nhà phân tích thị trường nhận định, mặc dù áp lực lạm phát còn yếu, nhưng điều này cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì các chính sách tiền tệ cực kỳ phù hợp, hỗ trợ cho kim loại quý.
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans đưa ra quan điểm lạm phát cao hiện nay chưa đủ để khiến Fed phải thắt chặt sớm. Hiện, Fed còn phải đợi xem thị trường việc làm diễn biến thế nào trong những tháng tới trước khi đưa ra bất kỳ thay đổi nào về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, một số quan chức khác của Fed lại thể hiện quan điểm cứng rắn hơn, kêu gọi bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng ngay trong năm nay để có thể nâng lãi suất từ năm 2023.
Vàng là kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu, tuy nhiên việc Fed nâng lãi suất sẽ khiến vàng suy giảm sức hấp dẫn vì sẽ tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - một kênh đầu tư không mang lãi suất.
Các nhà phân tích cũng nhận định, thị trường vàng có thể tiếp tục kéo dài chuỗi ngày khó khăn vì đồng USD - "kẻ thù" lớn nhất của kim loại quý vẫn ở mức cao. Sau khi mất gần 100 USD vào tháng 8/2021, vàng sẽ cần một thời gian để ổn định và tìm lại các mức hỗ trợ mới.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA nhận định, các chỉ số kỹ thuật đối với vàng trông rất tệ, nhưng nếu giá có thể ổn định trong khoảng 1.700 - 1.750 USD/ounce, điều đó có thể cho phép một số nhà đầu tư dài hạn tham gia vào thị trường.
Trong ngắn hạn, có rất nhiều trở ngại mà vàng phải vượt qua. Thị trường đang chú ý nhiều hơn đến bất kỳ gợi ý giảm quy mô gói kích thích tiền tệ.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank nhận thấy, yếu tố trên có thể chặn lại bất kỳ đợt phục hồi nào của kim loại quý.
Ông nhận định: "Vàng có khả năng phải đối mặt với những sóng gió lớn hơn nữa trong ngắn hạn. Nhiều quan chức của Fed đã lên tiếng ủng hộ việc giảm nới lỏng định lượng trong tương lai gần. Trong môi trường hiện tại, tôi tin rằng, vàng sẽ khó có thể sớm bù đắp lại khoảng trống vừa bị mất". Tỷ phú Ai Cập Naguib Sawiris nhận định, vàng là khoản đầu tư nên sở hữu khi thế giới lo ngại về giá cả tăng cao.
Người giàu thứ hai Ai Cập khuyên nên phân bổ tới 30% danh mục đầu tư vào vàng. Ông Sawiris nói: "Bạn cần phải có một phần của danh mục đầu tư là vàng, khoảng 20-30%. Đó là điều cơ bản".
Tỷ phủ Sawiris giải thích: "vàng sẽ được hưởng lợi từ lạm phát. Vàng là hàm số giữa lạm phát và lãi suất tăng. Tôi là một nhà đầu tư dài hạn. Giả sử lạm phát xuất hiện và thị trường chứng khoán sụp đổ, bạn sẽ rất vui khi nắm giữ vàng".
Tháng trước, ông Sawiris đã lập một quỹ khai thác vàng trị giá 1,4 tỷ USD. Mục tiêu của quỹ là nắm giữ các khoản đầu tư khai thác vàng của tỷ phú cũng như cung cấp vốn cho các cơ hội mới trong lĩnh vực này.
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh khi đồng USD giảm từ mức cao nhất trong hơn 4 tháng và lợi suất trái phiếu Mỹ thấp hơn, theo đó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Michael Matousek, nhà giao dịch tại U.S. Global Investors, lưu ý rằng lạm phát vẫn ở mức cao nhất trong 13 năm vào tháng 7, và cho biết lạm phát dai dẳng có thể khiến giá vàng tăng cao hơn ngay cả khi lãi suất tăng.
Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa tại Commonwealth Bank of Australia nhận định, vàng đã phục hồi sau đợt giảm sốc 100 USD trong tuần trước, tuy nhiên, rất khó để duy trì xu hướng tăng giá đối với kim loại quý này. Những quan điểm "diều hâu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với chính sách tiền tệ của Mỹ là lý do khiến kim loại quý khó tăng giá.
Fed hiện vẫn giữ lãi suất gần bằng 0, nhưng các quan chức đã báo hiệu rằng, việc tăng lãi suất có thể sớm xảy ra, đặc biệt là khi lạm phát đang tăng nóng.
Dominic Schnider, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management cũng dự đoán rằng, lợi suất thực tế sẽ "ít tiêu cực hơn" và điều đó đồng nghĩa với việc vàng sẽ giảm giá.
Ông Schnider phân tích: "Khi lợi suất thực tế tăng lên, giá vàng đi xuống và ngược lại. Trong trường hợp như vậy, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, một tài sản không sinh lợi, sẽ cao hơn vì các nhà đầu tư đang bỏ qua khoản lãi mà nếu không sẽ kiếm được từ tài sản sinh lời.
Khi USD mạnh hơn, kết hợp với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng dần cho thấy, giá vàng sẽ theo xu hướng giảm. Kim loại quý sẽ giảm xuống 1.700 USD/ounce vào quý I/2022".
 

Nguồn: VITIC