Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 15h30 giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66 triệu đồng/lượng - bán ra 67 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66 triệu đồng/lượng - bán ra 67 triệu đồng/lượng (giảm 300.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,10 triệu đồng/lượng - bán ra 67,12 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.645 – 1.654 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 25/10 giao dịch quanh ngưỡng 1.645 - 1.654 USD/ounce, giảm 6 - 14 USD/ounce so với hôm qua. Giá vàng hôm nay quay đầu đi xuống trong bối cảnh đồng USD tăng và giá dầu thô giảm cũng là điều tiêu cực đối với kim loại này.
Thị trường đang kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm mức tăng lãi suất vào kỳ họp tới đây, bởi việc Fed giảm tốc thắt chặt tiền tệ sẽ giúp thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm. Cùng với đó, giới đầu tư sẽ giảm bớt lượng vàng đang nắm giữ để chuyển sang đầu cơ tài sản sinh lời khác.
Nhà phân tích Matt Simpson của City Index cho biết, giá vàng sẽ phụ thuộc vào tín hiệu từ cuộc họp tiếp theo của Fed về việc sẽ tạm dừng hay tiếp tục thắt chặt lãi suất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng Fed có khả năng sẽ nâng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 11/2022.
Dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cũng không giúp được vàng đột phá. Cụ thể, trong phiên đầu tuần, thị trường đón nhận Chỉ số quản lý mua hàng (MPI) sụt giảm mạnh; Trong đó PMI lĩnh vực sản xuất tồi tệ hơn dự kiến khi giảm xuống còn 49,9 điểm từ 52 điểm của tháng 9. MPI lĩnh vực dịch vụ cũng yếu hơn dự kiến khi rơi sâu xuống 46,6 điểm từ 49,3 điểm của tháng 9.
Theo các nhà kinh tế, dữ liệu kinh tế mới nhất này tiếp tục làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang hướng đến suy thoái bởi lãi suất tăng đã làm chậm tăng trưởng nền kinh tế.
Mặc dù lạm phát vẫn còn cao nhưng Chris Williamson, kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết các dữ liệu chỉ ra nguy cơ suy thoái kinh tế nước này ngay trong quý IV.
Tại châu Âu, khu vực đồng euro cũng đón nhận dữ liệu quản lý mua hàng tháng 10 yếu hơn khi PMI tổng hợp tháng 10 giảm còn 47,1 điểm, thấp hơn con số 48,1 điểm hồi tháng 10.
Trong báo cáo mới phát hành, Ngân hàng Goldman Sachs cũng nhận định, nếu lạm phát tiếp tục là mối đe dọa lớn thì Fed sẽ tăng mạnh lãi suất. Môi trường này khiến vàng sẽ rớt mạnh về vùng giá 1.500 USD/ounce. Nhìn chung, đến hết năm 2022, giá vàng khó có thể lấy lại đà tăng vì chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed đang hỗ trợ đồng USD tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua.
Tuy vậy không phải tất cả thông tin dự báo về vàng là kém tươi sáng. Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong báo cáo xu hướng đã dự báo, thị trường vàng sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức giai đoạn cuối năm 2022.
Theo WGC, nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn có lẽ sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng, nhưng việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa và sự lớn mạnh liên tục được gia tăng của đồng đô la có thể gây ra nhiều khó khăn. Do nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế và giá cả sinh hoạt tăng cao cũng sẽ khiến nhu cầu vàng giảm xuống.
Các số liệu từ WGC cũng chỉ ra, người dân Châu Á vẫn thích giữ vàng. Năm 2021, lượng vàng để đầu tư dưới dạng vàng thỏi và xu tại thị trường Trung Quốc và Ấn Độ tăng hơn 43% so với năm 2020.
Xu hướng giá vàng: Đêm qua, chỉ số đô la Mỹ tăng cao còn giá dầu thô Nymex tiếp tục giảm về 83,25 USD/thùng. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm duy trì ở mức cao là 4,177%. Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm vẫn giữ lợi thế tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu giá tăng tiếp theo của giá vàng là tạo ra mức kháng cự vững chắc 1.700 USD/ounce. Mục tiêu giảm giá tiếp theo là đẩy giá kim loại quý xuống mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.600 USD/ounce.