Giá vàng trong nước biến động nhẹ
Vào thời điểm lúc 15h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 55,75 triệu đồng/lượng - bán ra 56,72 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đ/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 55,80 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đ/lượng) - bán ra 56,60 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 56 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 56,70 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 56,05 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 56,6 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đ/lượng).
Giá vàng thế giới 1.931 - 1.937 USD/ounce
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 6h sáng nay giao dịch ở mức 1931.20 - 1932.20 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 10 giảm 6,80 USD/ounce ở mức 1930,10 USD/ounce; đến 8h30 lên mức 1.937 USD/ounce và sau đó dao động trong khoảng 1.935 – 1.937 USD/ounce, đến 15h chiều nay đứng ở mức 1.936,5 USD/ounce.
Đêm 3/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.936 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.946 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 3/9 cao hơn khoảng 27,3% (415 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 1,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 3/9.
Giá vàng giảm sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu việc làm trong tuần trước ghi nhận thêm 881.000 lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, đây là lần thứ hai số lao động nộp xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm xuống dưới 1 triệu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được bảo hiểm đã giảm 0,8% xuống còn 9,1% trong tuần trước. Giá vàng châu Á giảm xuống mức thấp nhất gần một tuần qua trong phiên chiều 3/9.
Trong báo cáo “Beige Book” (Sách Be), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhấn mạnh hoạt động kinh doanh và việc làm của Mỹ đã tăng mạnh vào cuối tháng Tám, nhưng tăng trưởng kinh tế nhìn chung vẫn trì trệ do đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã cản trở việc mở cửa lại nền kinh tế.
Giá vàng đã tăng khoảng 28% từ đầu năm đến nay, do các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ việc bùng phát đại dịch.
Theo một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nợ chính phủ của Mỹ có thể vượt quy mô nền kinh tế nước này trong tài khóa 2021 và đây sẽ là mức nợ cao nhất kể từ năm 1946 do các khoản chi lớn của Mỹ nhằm ứng phó đại dịch Covid-19.
Văn phòng này cũng dự đoán thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ lên tới 3.300 tỷ USD trong năm tài khóa 2020, tương đương 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Viện quản lý cung ứng ISM của Mỹ cho biết chỉ số phi sản xuất của Mỹ trong tháng 8 giảm do với tháng 7, từ mức 58,1% xuống còn 56,9%. Số liệu này tương đối khớp với dự báo của thị trường. Đà hồi phục của mặt hàng kim loại quý bị kìm hãm do đồng USD có xu hướng tăng so với một số đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có euro và bảng Anh. Châu Âu có xu hướng kìm hãm sự tăng giá của đồng tiền chung trong khu vực.
Trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia dự báo giá vàng quốc tế có thể đi ngang sau đợt tăng vọt lên mức cao kỷ lục mọi thời đại hồi đầu tháng 8. Tuy nhiên, về dài hạn, vàng được dự báo còn tăng mạnh. Đại diện U.S. Global Investors vừa đưa ra dự báo trên Kitco cho rằng, giá vàng thế giới có thể lên tới mức 4.000 USD/ounce trong vòng 2-3 năm tới do các nước đang đẩy mạnh bơm tiền.
Trong hội nghị Jackson Hole gần đây, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã không ngần ngại phát đi tín hiệu sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong thời gian dài sắp tới. Các nước EU và Nhật cũng đang duy trì các chính sách bơm tiền mạnh.
Chính phủ Pháp vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 100 tỷ euro (118 tỷ USD) để ứng phó với tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tăng trở lại. Gói hỗ trợ dự kiến được triển khai dưới 2 hình thức gồm chi mới và ưu đãi thuế, cao gấp 4 lần khoản cứu trợ mà chính phủ nước này từng đưa ra để ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Số tiền này chiếm khoảng 1/3 tổng ngân sách trung bình thường niên của Pháp và tương đương khoảng 4% GDP của nước này.