Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 16h30 giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,20 triệu đồng/lượng - bán ra 67 triệu đồng/lượng (không đổi so với cuối giờ chiều hôm qua cả 2 chiều mua bán)
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,25 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng) - bán ra 67,05 triệu đồng/lượng (không đổi).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,30 triệu đồng/lượng - bán ra 67,12 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.833 – 1.840 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.833 - 1.840 USD/ounce, giảm 18 - 24 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay giảm mạnh bởi sự vươn lên mạnh mẽ của đồng USD. Rạng sáng hôm nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng 0,85% lên vượt ngưỡng 105. Đồng USD đảo chiều tăng cao và gây áp lực cho vàng sau khi báo cáo việc làm trong tháng 12 từ ADP được công bố cho thấy thị trường việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến.
Theo báo cáo, đã có 235.000 việc làm được tạo ra trong tháng cuối năm 2022, tăng hơn nhiều so với mức dự báo của thị trường là 150.000 và mức được ghi nhận trong tháng 11 là 127.000.
Nhà phân tích thị trường cao cấp Edward Moya tại OANDA nói rằng, mặc dù nền kinh tế rõ ràng đang suy yếu, nhưng thị trường lao động không bị phá vỡ.
Sau dữ liệu từ ADP, số liệu bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 12 rất được mong đợi sẽ được công bố vào thứ 6. Đây là dữ liệu có ý nghĩa quan trọng đối với vàng. Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ bổ sung thêm 200.000 việc làm vào tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,7%.
Dữ liệu tốt hơn mong đợi sẽ làm tăng kỳ vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, nếu các con số yếu hơn dự kiến sẽ giúp vàng duy trì đà tăng trên 1.850 USD/ounce. Moya cho rằng, cho đến khi thị trường lao động bắt đầu có những dấu hiệu chậm lại rõ rệt thì mức 1.900 USD/ounce sẽ vẫn nằm ngoài tầm với của thị trường vàng.
“Vàng đang gặp khó khăn khi dữ liệu kinh tế mới nhất buộc Fed phải thắt chặt hơn nữa. Thị trường lao động sắp suy yếu và cho đến khi điều đó xảy ra, vàng có thể vẫn bị mắc kẹt trên mức 1.800 USD", ông nói.
Ngày trước đó, giá vàng vẫn giữ được đà tăng khi phản ứng với biên bản cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2022 của Fed. Theo đó, các quan chức Fed nhất trí rằng ngân hàng trung ương nên giảm tốc độ tăng lãi suất nhưng sẽ vẫn thắt chặt hơn nữa nếu lạm phát tăng.
Theo biên bản, hầu hết các thành viên nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tính linh hoạt và tùy biến khi chuyển chính sách sang lập trường bớt cứng rắn hơn. Họ tiếp tục khẳng định quan điểm sẽ tăng lãi suất lên hơn 5% trong năm nay mặc dù lạm phát đã giảm nhẹ sau 5 lần tăng lãi suất trong năm 2022.
Trong biên bản, các quan chức lưu ý rằng tốc độ tăng lãi suất chậm hơn không có nghĩa là nới lỏng các điều kiện tài chính, điều này phù hợp với những gì mà người đứng đầu Fed đã nhiều lần khẳng định trước đó.
Thông tin được thị trường chờ đợi là báo cáo việc làm tháng 12/2022 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ 6. Các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ tạo ra thêm 200.000 việc làm sau khi tăng 263.000 trong tháng 11.
Rủi ro suy thoái và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương cũng sẽ hỗ trợ thị trường vàng trong năm nay. “Nếu dữ liệu việc làm phản ánh, việc tăng lãi suất đã gây thiệt hại cho nền kinh tế, thì đồng USD có thể suy yếu và có lợi cho vàng”. Vàng được coi là một hàng rào chống lại lạm phát và những bất ổn kinh tế, nhưng lãi suất cao hơn có xu hướng đè nặng lên vàng, vốn không sinh lời.
Bộ Tài chính Nga cho biết, nước này vừa tăng gấp đôi giới hạn nắm giữ vàng và Nhân dân tệ trong Quỹ Tài sản quốc gia (NWF). Giới hạn nắm giữ tối đa mới được đặt ở mức 40% đối với vàng và 60% đối với nhân dân tệ. Các giới hạn trước đây lần lượt chỉ là 20% và 30%. Lý do sửa đổi tăng lên là "để đảm bảo tính linh hoạt", theo tuyên bố của Bộ Tài chính Nga. Để đảm bảo tính linh hoạt khi đầu tư quỹ NWF, tỷ lệ tối thiểu của mỗi tài sản trong cấu trúc mới có thể bằng 0 và tỷ lệ tối đa được giới hạn như sau: Nhân dân tệ của Trung Quốc - 60% … vàng – 40%.
NWF nắm giữ nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Tổng giá trị của nó là 186,5 tỷ USD và được tạo ra để giúp hỗ trợ hệ thống lương hưu. Nhiệm vụ chính của Quỹ là “đồng tài trợ cho các khoản tiết kiệm lương hưu tự nguyện của công dân Nga và cân đối ngân sách của Quỹ Hưu trí Liên bang Nga”.
Thông tin từ Bộ Tài Chính Nga cho biết thêm, các tài khoản bằng Bảng Anh, Yên Nhật tại Ngân hàng Trung ương đều đã giảm xuống bằng 0. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov tuyên bố, trong số tất cả các loại tiền tệ "thân thiện", đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có đặc tính "dự trữ" tốt nhất và có "đủ thanh khoản" trên thị trường ngoại hối của Nga. "Việc bổ sung cho Quỹ NWF sẽ được thực hiện bằng loại tiền này" một cách thường xuyên, ông Siluanov cho biết.
Tài sản của Quỹ này bằng đồng Euro, Bảng Anh và Yên Nhật đều đã bị đóng băng sau khi lệnh trừng phạt được đưa ra đối với Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine, từ tháng 2/2022.
Khoảng một năm rưỡi trước, NWF đã bỏ tất cả tài sản bằng USD và tăng nắm giữ vàng, Euro và Nhân dân tệ. Tỷ lệ nắm giữ USD của NWF đã giảm từ 35% xuống 0% vào tháng 7/2021. Vào thời điểm đó, tỷ lệ nắm giữ vàng của quỹ là 20,2%.
Bộ Tài chính Nga cho biết, động thái phi USD hóa nhằm đảm bảo "sự an toàn của các quỹ NWF trong bối cảnh các xu hướng kinh tế vĩ mô và địa chính trị trong những năm gần đây, cũng như các quyết định nhằm 'phi USD hóa' nền kinh tế Nga" trước đây.