Giá vàng trong nước tăng rất mạnh
Vào lúc 14h, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 70,20 triệu đồng/lượng (tăng 2.450.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua) - bán ra 72,20 triệu đồng/lượng (tăng 2.900.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 70,40 triệu đồng/lượng (tăng 2.400.000 đồng/lượng) - bán ra 72,50 triệu đồng/lượng (tăng 3.200.000 đồng/lượng)
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 70,40 triệu đồng/lượng (tăng 2.400.000 đồng/lượng) - bán ra 72,22 triệu đồng/lượng (tăng 3.200.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới 1.980 – 2.000 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 7/3 giao dịch quanh ngưỡng 1.980 - 2.000 USD/ounce - tăng 16 - 28 USD/ounce so với hôm qua. Giá vàng chạm mốc 2.000 USD/ounce lúc 9h sáng nay, sau đó giảm nhẹ.
Chiến tranh và lạm phát đình chệ là hai vấn đề nổi bật ảnh hưởng tới kinh tế thế giới hiện nay. Các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga đã khiến giá nhiều loại hàng hóa tăng vọt, lúa mì tăng khoảng 40% trong tuần, dầu tăng 20%... Những lo ngại về lạm phát đình trệ một lần nữa lại xuất hiện, với lo ngại về giá cả hàng hóa ca ngất ngưởng ảnh hưởng đến lạm phát và khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Giá vàng thế giới thậm chí được dự báo sẽ chạm 2.150 USD/ounce khi Nga tiếp tục leo thang xung đột ở Ukraine.
Ba vấn đề được cho sẽ có tác động tới thị trường vàng trong thời gian này cần tiếp tục theo dõi sát là: Sự không ổn định do xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại; Nga đang 'hốt hoảng mua vàng' để làm gì; Và giá vàng có thể chạm mức 2.150 USD, khi lạm phát tiếp tục bị đẩy lên mức rất cao.
Với lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm, ưu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là tránh lạm phát "cố định" và "kéo dài". Nhưng xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt mới có thể gây ra "những hậu quả không lường trước được",
Mối lo ngại rằng sẽ có rất nhiều áp lực khiến lạm phát gia tăng. Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định, "mọi thứ đều quá bấp bênh. Chúng tôi không muốn thêm vào sự không chắc chắn. Vào những thời điểm như thế này, chúng tôi sẽ cẩn thận". Ông có kế hoạch ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản truyền thống tại cuộc họp FOMC ngày 15-16/3 tới. Các quan chức Fed cũng sẽ đưa ra kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán gần 9 nghìn tỷ USD của ngân hàng trung ương.
Trong khi đó, giữa bão trừng phạt từ phương Tây, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) tuyên bố sẽ bắt đầu lại hoạt động mua vàng chính thức sau 2 năm gián đoạn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo, việc mua thêm vàng của Nga có thể chỉ là tiền đề cho việc bán ra đáng kể ngay sau đây, khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và đồng Ruble lao dốc.
Bên cạnh sự không chắc chắn về địa chính trị, việc ngân hàng trung ương mua nhiều vàng hơn thường là một yếu tố thúc đẩy tăng giá tốt. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi về việc Nga bán lượng vàng dự trữ của mình với số lượng lớn sẽ đè nặng lên thị trường trong tương lai, đặc biệt là nếu đồng Ruble tiếp tục lao dốc. Theo dữ liệu mới nhất của IMF, tính đến cuối tháng 1, Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng (chiếm hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối) - là quốc gia sở hữu vàng có chủ quyền lớn thứ năm thế giới.
Chiến lược gia Nicky Shiels thuộc MKS PAMP SA phân tích, mục đích chính của việc CBR gom mua vàng trong nước là nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển đổi vàng thành tiền mặt khi cần. Về mặt kỹ thuật, việc Nga mua vàng không ảnh hưởng đến nguồn cung vàng trên thị trường toàn cầu, nhưng việc này có ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý.
Trong khi đó, các chuyên giá của Goldman Sachs dự báo, giá vàng chạm mức 2.150 USD/ounce sau chiến dịch quân sự của Nga, các biện pháp trừng phạt chống Nga liên tiếp được tung ra khiến lạm phát bị đẩy lên mức rất cao. Goldman Sachs đã nâng dự báo giá hàng hóa với lý do nguồn cung bị gián đoạn và triển vọng lạm phát thậm chí còn có vấn đề hơn. Bởi Nga nhà sản xuất chính - dầu, khí đốt, nhôm, palladium, niken, lúa mì và ngô.
Theo Goldman, vàng vẫn là một mặt hàng trú ẩn an toàn khác sẽ có một đợt phục hồi lớn hơn nhiều trong tương lai. Sự leo thang gần đây với Nga tạo ra rủi ro lạm phát đình trệ rõ ràng đối với nền kinh tế thế giới rộng lớn, do giá năng lượng cao hơn, điều này củng cố dự báo về giá vàng cao hơn trong những tháng tới và mục tiêu giá mới sẽ là 2.150 USD/ ounce.

Nguồn: Vinanet/VITIC