Mở cửa thị trường sáng nay (13.8), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua bán vàng miếng là 52,9 - 56,22 triệu đồng/lượng, tăng thêm 340.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 160.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm trước. Chênh lệch giá mua - bán của SJC hiện tại là 3,32 triệu đồng, thấp hơn mức 4 triệu đồng của ngày hôm trước nhưng vẫn là đỉnh cao từ trước đến nay. Tương tự, hệ thống cửa hàng Doji tại Hà Nội giao dịch vàng miếng 53,5 - 55,9 triệu đồng/lượng, tăng thêm 200.000 đồng ở chiều mua vào so với cuối ngày trước đó nhưng giữ nguyên giá bán ra. Chênh lệch giá mua và bán của Doji cũng ở mức cao với 2,4 triệu đồng/lượng, cao gấp đôi so với một tuần trước.
Chênh lệch mua - bán lên tới 2 - 4 triệu đồng/lượng theo các chuyên gia về vàng là rủi ro cao cho người mua dù tăng hay giảm. Vì vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ không nên giao dịch ở thời điểm hiện tại để bảo toàn vốn.
Giá vàng trên thị trường quốc tế đã phục hồi từ cuối phiên 12.8 sau khi xuống đáy 1.874 USD/ounce và hiện ở mức 1.940 USD/ounce. Theo CNBC, giá vàng tăng trở lại do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ rút khỏi mức đỉnh trong phiên và đồng USD suy yếu. Theo ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Oanda - đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ đã giáng đòn nặng nề vào thị trường kim loại quý trong ngày 11.8. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 0,562% vào cuối tuần trước lên 0,658% vào ngày 12.8 khi dữ liệu cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tăng tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 7.
Còn ông Phillip Streible, giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago, nhận định với Reuters, sự sụt giảm 6% trong phiên 11.8 của vàng là một sự điều chỉnh lành mạnh, nó cho phép nhiều người tham gia hơn. Vì vậy, giá sẽ tăng trở lại và vào cuối năm, chúng ta sẽ chứng kiến mức cao nhất mọi thời đại với vàng đạt 2.500 USD/ounce. Bên cạnh đó, chỉ số USD-Index quay đầu lùi trong ngày 12.8 cũng góp phần hỗ trợ giá vàng phục hồi...