Giá quặng sắt được giao dịch ngày 1/7 giảm do nhu cầu thép tại Trung Quốc đi xuống. Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng các chính sách của nước này.
Giá quặng sắt giao tháng 9 được giao dịch trên sàn hàng hóa Đại Liên giảm 0,7% xuống 1.165 CNY/tấn ( tương đương 180,5 USD/tấn), giảm 14,2% so với mức cao kỷ lục trong ngày 12/5.
Tuy nhiên, quặng sắt Đại Liên kết thúc quý với mức tăng khoảng 20% so với quý trước, bởi giá tăng kỷ lục trong tháng 5.
Nhu cầu nguyên liệu thô tăng mạnh ở Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã đẩy giá quặng sắt lên mức cao kỷ lục.

1-quang93-8562-1625067782.jpg

Diễn biến giá quặng sắt. Nguồn: Trading Economics

Các nhà phân tích nhận định nguyên liệu thô đắt đỏ kết hợp với nhu cầu thép đi xuống ở Trung Quốc đè nặng lên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.
Robert Rennie, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về chiến lược tài chính tại ngân hàng Westpac của Australia đánh giá: “Giá thép đã giảm mạnh so với mức cao kỷ lục của tháng 5".
Theo Fast Markets, giá quặng 62% Fe nhập khẩu vào miền Bắc Trung Quốc ở mức 214,1 USD/tấn trong ngày 30/6, tăng 1% so với ngày 29/6.
Giá quặng 62% Fe tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc ngày 30/6 ở mức 214,55 USD/tấn, tăng 0,09% so với ngày 29/6.
Giá thép thanh trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng tăng 0,9%, giá thép cuộn cán nóng tăng 1,1% và giá thép không gỉ tăng 1,7%.
Ở chiều ngược lại, giá than luyện cốc DJMcv1 trên Sàn DCE giảm 1% và giá than cốc DCJcv1 giảm 1,5%
Trong năm 2020, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng quặng sắt lớn thứ 3 thế giới với 340 triệu tấn, xếp sau Australia (900 triệu tấn) và Brazil (400 triệu tấn).

Trung Quốc tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Một số nhà sản xuất thép tại Đường Sơn đã giảm sản lượng. Trong khi các cảng gần Bắc Kinh như Đường Sơn, Jingtang, Caofeidian cũng tạm dừng hoạt động cho đến chiều 1/7.

Nhà phân tích Jinshan Xie cho biết nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc có thể sẽ giảm 79 triệu tấn/năm trong vòng 5 năm tới, đúng với mục tiêu của kế hoạch 5 năm của nước này đối với ngành thép.
Nhập khẩu sẽ giảm khi Trung Quốc phát triển các mỏ quặng sắt của riêng mình. Bên cạnh đó, việc sản xuất phế liệu và gang thép trong nước có thể sẽ giúp đáp ứng 45% tổng nhu cầu quặng sắt của họ trong năm 2025, tăng so với mức 37% vào năm 2020. Tuy nhiên, nhập khẩu quặng sắt vẫn sẽ duy trì ở trên mức 1 tỷ tấn/năm, Xie cho biết thêm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng kỷ lục 1.17 tỷ tấn quặng sắt trong năm 2020, tăng 9.5% so với năm 2019 do nhu cầu xây dựng và cơ sở hạ tầng bùng nổ, khiến sản xuất thép tăng. Theo Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép của nước này trong năm 2020 tăng lên 1.064 tỷ tấn từ mức 995.40 triệu tấn trong năm 2019.
Đà tăng vọt của giá quặng sắt trong năm nay được cho là đã khiến hàng tồn kho của Trung Quốc có giá trị hơn đối với các mỏ khai thác. Horizon Insights cho rằng giá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao với một vài đợt điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV/2021 khi nguồn cung từ Australia và Brazil tăng mạnh trở lại. Điều này có thể dẫn đến việc tồn kho tại các cảng của Trung Quốc đạt 135 triệu tấn vào cuối năm nay.