Thị trường sắt thép sau một thời gian trầm lắng gần đây đột ngột nóng lên. Giá thép và các nguyên liệu sản xuất thép ở khắp nơi trên thế giới tăng nhiều phiên liên tiếp.
Giá quặng sắt tăng liền 4 phiên; giá thép ở Trung Quốc, Mỹ, châu Âu đều leo dốc
Theo đó hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tham chiếu trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) kéo dài chuỗi tăng giá 4 phiên liên tiếp do đà hồi phục kinh tế của Trung Quốc chững lại khiến các nhà đầu tư dấy lên hy vọng Chính phủ sẽ bổ sung các chính sách hỗ trợ.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên kết thúc phiên 15/7 tăng 1,6% lên 1.234 nhân dân tệ (191 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tương lai trên sàn Singapore cũng tăng 1,9% lên 214 USD/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc hiện vẫn duy trì ở mức trên 220 USD/tấn. Trong khi đó, giá than - nguyên liệu dùng trong sản xuất thép - phiên này cũng tăng, với than luyện cốc trên sàn Đại Liên tăng 0,6%, còn than cốc tăng 2,7%.
Giá thép tiếp tục tăng phiên thứ 2 liên tiếp, với thép thanh vằn - dùng trong xây dựng - giao dịch trên sàn Thượng Hải hôm nay tăng 0,9% so với kết thúc phiên liền trước. Thép cuộn cán nóng - dùng trong sản xuất, chế tạo - tăng 0,5%, bất chấp dữ liệu cho thấy sản lượng thép thô của Trung Quốc giảm 5,6% trong tháng 6 so với mức cao kỷ lục của hồi tháng 5.
Đặc biệt, thép không gỉ tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu trong nước mạnh và lượng tồn kho thấp. Kết thúc phiên 15/5, giá thép không gỉ trên sàn Thượng Hải tăng 3,4% lên 18.240 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ khi giao dịch hợp đồng thép không gỉ bắt đầu lên sàn giao dịch Thượng Hải vào năm 2019. Phiên liền trước (14/7) giá thép không gỉ đã tăng 4,1%.
Không chỉ ở Trung Quốc, thị trường thép không gỉ đang nóng lên trên toàn cầu do nguồn cung khan hiếm mà nhu cầu tăng nhanh, cùng với giá nguyên liệu tăng.
Số liệu của Fastmarkets cho thấy giá sản phẩm tấm thép không gỉ 304 cán nguội tại Bắc Âu ngày 9/7 ở mức 3.350 - 3.400 euro (4.077 - 4.138 USD)/tấn, tăng 200 euro so với 3.150 - 3.200 euro/tấn một tuần trước đó,.
Giá nickel tăng mạnh
Trong khi các Chính phủ và các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tác động của giá cả đối với sản lượng công nghiệp thì hầu hết các nhà dự báo đều cho rằng sản lượng thép không gỉ và giá nickel năm nay sẽ tăng. Theo Diễn đàn Thép không gỉ Quốc tế (ISSF), sản lượng thép không gỉ toàn cầu trong quý I đã tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 14,5 triệu tấn.
Nickel là nguyên liệu trong sản xuất thép không gỉ. Thị trường này có dấu hiệu thắt chặt nguồn cung khiến giá duy trì ở mức trên 18.000 USD/tấn suốt từ đầu tháng 7 đến nay.
Mức cộng giá nickel nhập khẩu vào Trung Quốc - chênh lệch giữa giá nickel trên sàn Thượng Hải và London - đã tăng hơn 10% trong tuần kết thúc vào ngày 22/6, và vẫn tiếp tục tăng kể từ đó.
Nhu cầu kim loại tiếp tục tăng trên toàn cầu trong bối cảnh sản xuất và kinh tế đều hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất thép không gỉ và khai thác và tái chế nickel.
Hoạt động khai thác tại mỏ nickel của Vale ở Sudbury, Canada, vẫn bị đình trệ sau vòng đàm phán thứ 2 giữa giới chủ với công đoàn đại diện cho các công nhân của Vale chưa đi đến kết quả. Các điều kiện tái chế nickel và thép không gỉ đều đang gặp khó khăn nên không theo kịp nhu cầu.
Trong khi đó, nhu cầu nickel bị dồn nén từ lâu trong giai đoạn phong tỏa do đại dịch covid-19, nay hồi phục mạnh mẽ.
Sau khi giảm xuống dưới 17.000/tấn vào cuối tháng 5, giá nickel giao ngay trên sàn London đã tăng liên tiếp, lên khoảng 18.500 USD/tấn vào cuối tháng 6 do các kho dự trữ đang cạn kiệt. Lượng nickel lưu kho trên sàn London trong gần 30 ngày, từ 24/5 đến 21/6, đã giảm 12.618 tấn.
Tính đến đầu tháng 7, chỉ còn hơn 230.000 tấn nickel trong các kho của LME, giảm 33.000 tấn kể từ cuối tháng 4.
Nhu cầu thép tăng cao ở khắp nơi trên thế giới
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến khi ở mức 7,9% trong quý II. Điều này phản ánh hoạt động sản xuất chậm lại, do bị tác động bởi chi phí nguyên liệu thô tăng và đại dịch Covid-19 tái bùng phát, cản trở tiến độ hồi phục của kinh tế nói chung và các lĩnh vực sử dụng sắt thép nói riêng.
Theo các nhà phân tích của ANZ, dữ liệu GDP đáng thất vọng của Trung Quốc làm gia tăng kỳ vọng rằng Chính phủ nước này sẽ giữ lãi suất ổn định ở mức hiện tại "trong một thời gian dài" và có thể triển khai "các biện pháp bổ sung liên quan đến tiền tệ" trong nửa cuối năm nay.
"Chúng tôi tin rằng các nhà chức trách sẽ tích cực giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính trong 6 tháng cuối năm," báo cáo của ANZ cho biết.
Thanh khoản trên thị trường Trung Quốc gia tăng sau khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng từ tuần trước được điều chỉnh giảm 50 điểm cơ bản. Điều này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu thép và nguyên liệu thô của Trung Quốc, trái với dự đoán của một số nhà phân tích là nhu cầu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay.
Trên thế giới, chỉ số PMI do J.P. Morgan theo dõi trong tháng 6 là 55,5, cho thấy sản xuất tiếp tục tăng tháng thứ 12 liên tiếp. IHS Markit cũng cho biết: ‘Sản xuất trên toàn cầu vẫn trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 6 với sản lượng, đơn đặt hàng mới và việc làm đều tăng, cùng với sự lạc quan trong kinh doanh ở mức rất cao.
Điều kiện sản xuất ở châu Âu đặc biệt trong tháng 6 rất tích cực, với bảy chỉ số PMI sản xuất cao nhất đều thuộc về ở châu Âu, tiếp theo là Mỹ. Sản xuất cải thiện kéo theo sản xuất thép tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu, dẫn tới nhu cầu nguyên liệu thép tăng theo.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng tiếp tục ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất và làm cho việc cung ứng nguyên liệu khó khăn, dẫn đến giá tăng mạnh.'
Với những lý do này, dự báo nhu cầu sắt thép thế giới sẽ tiếp tục duy trì cao, và giá sẽ khó có thể sớm hạ nhiệt.

Nguồn: ndh.vn