Tỷ trọng 5 nhóm hàng nhập khẩu "chục tỷ USD" trong tổng kim ngạch cả nước năm 2019. Biểu đồ: T.Bình.
Tăng 16,2 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, tháng cuối cùng của năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 4,5%, tương ứng tăng 0,96 tỷ USD so với tháng 11/2019 trước đó.
Các mặt hàng có trị giá tăng so với tháng trước là: Máy móc thiệt bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 451 triệu USD%; dầu thô tăng 95 triệu USD; than các loại tăng 85 triệu USD; thức ăn gia súc và các loại tăng 63 triệu USD...
Như vậy, trong cả năm 2019 trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 253,07 tỷ USD. Với kết quả này, trị giá nhập khẩu hàng hóa trong năm ngoái cao hơn năm 2018 tới 16,2 tỷ USD, tương ứng tăng 6,8%.
Đáng chú ý, năm 2019 có tới 38 nhóm hàng chính đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,7% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Các mặt hàng có kim ngạch tăng chủ yếu như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,22 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác tăng 3,87 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 1,33 tỷ USD; than các loại tăng 1,24 tỷ USD; dầu thô tăng 849 triệu USD…
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận một só nhóm hàng có kim ngạch giảm mạnh như: Xăng dầu các loại giảm 1,68 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,3 tỷ USD; kim lọai thường và sản phẩm giảm 1 tỷ USD; lúa mì giảm 455 triệu USD…
5 nhóm “chục tỷ USD”
Trong 38 nhóm hàng nhập khẩu lớn có 5 nhóm đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên.
Dẫn đầu tiếp tục là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt 51,35 tỷ USD, tăng 19,1% so với năm 2018.
Các thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn của Việt Nam là: Hàn Quốc với trị giá 16,84 tỷ USD, giảm 4,2% so với năm trước; đứng thứ 2 là Trung Quốc với 12,11 tỷ USD, tăng 47,2%; đứng thứ 3 là Đài Loan với trị giá đạt 5,53 tỷ USD, tăng tới 48,3%; đứng thứ 4 là Hoa Kỳ với trị giá 4,85 tỷ USD, tăng mạnh 59%; đứng thứ 5 là Nhật Bản với 4,49 tỷ USD, tăng 10,6%...
Nhóm hàng lớn thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 36,75 tỷ USD tăng 11,8% so với năm 2018.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu trong năm 2019 có xuất xứ chủ yếu từ: Trung Quốc đạt 14,9 tỷ USD, tăng 28%; Hàn Quốc đạt 6,16 tỷ USD, tăng 4,4% và từ Nhật Bản đạt 4,69 tỷ USD, tăng 5,8%... so với năm 2018.
Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) với kim ngạch 24,13 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với năm trước và đứng vị trí thứ ba.
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại nhập khẩu về Việt Nam năm 2019 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 11,52 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước; Hàn Quốc với 2,92 tỷ USD, giảm 6,9%; từ Đài Loan đạt trị giá 2,37 tỷ USD, giảm 2,1%; từ Hoa Kỳ với 2,13 tỷ USD, tăng 9,6%...
Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo đứng vị trí thứ tư với kim ngạch đạt 15,53 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2018.
Việt Nam nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm chủ yếu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc đạt 3,99 tỷ USD, tăng 25,1%; Hàn Quốc đạt 3,4 tỷ USD, giảm 2,2%; Đài Loan đạt 1,48 tỷ USD, giảm 2,2%; Nhật Bản đạt 1,34 tỷ USD, giảm 1,4%...
Nhóm hàng nhập khẩu “chục tỷ USD” thứ 5 là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt 14,62 tỷ USD, giảm 8,2% so với năm 2018.
Năm 2019, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam với tổng trị giá đạt 13,5 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này.
Trong đó, Trung Quốc là 7,58 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2018; nhập khẩu từ Hàn Quốc là 5,92 tỷ USD, giảm 4,9%.
Nhìn vào các thông tin nêu trên có thể thấy Trung Quốc là thị trường chiếm ưu thế khi dẫn đầu ở hầu khắp các nhóm hàng nhập khẩu chính của Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu khi quốc gia láng giềng này đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta.
Năm 2019, riêng thị trường này đạt tổng kim ngạch đến 75,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2018 và chiếm tới 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.